Chương trình Tây Nguyên III: Không thể chậm trễ hơn

ThienNhien.Net – "Chương trình Tây Nguyên III cần vượt ra ngoài những hạn chế của Tây Nguyên I và Tây Nguyên II là chỉ tập trung vào điều tra và đánh giá cơ bản điều kiện tự nhiên, xã hội. Chương trình cần đánh giá lại quá trình phát triển vừa qua của Tây Nguyên; phân tích những cơ hội và thách thức trước mắt để đề xuất chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên, hướng tới một Tây Nguyên xanh trong giai đoạn mới." – trích lời ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (CODE)

Tây Nguyên đã thay đổi toàn diện

Sau 35 năm kể từ ngày đất nước thống nhất và hơn 20 năm thực hiện chủ trương đổi mới và Chương trình Nghiên cứu Tây Nguyên II, đến nay diện mạo của Tây Nguyên đã thay đổi cơ bản và toàn diện, cả về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội. Bên cạnh những thay đổi tích cực, hàng loạt những tác động tiêu cực của quá trình phát triển cũng đang ngày càng lộ rõ.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, Tây Nguyên là vùng có tốc độ phát triển dân số cơ học và tỷ lệ suy thoái rừng cao nhất trong cả nước. Nếu như năm 1989 Tây Nguyên chỉ mới có gần 2,5 triệu người bao gồm 12 dân tộc, chủ yếu là dân tộc thiểu số bản địa như Gia Rai, Ê Đê, Mơ Nông… thì đến năm 2008 dân số Tây Nguyên đã tăng gấp đôi lên đến hơn 5 triệu người, với thành phần dân tộc cũng đã được mở rộng, gồm 47 dân tộc.

Sự gia tăng dân số đột biến, đặc biệt là tình trạng di cư tự do đã tạo ra nhiều hệ lụy, tiêu biểu là tình trạng tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng, bị khai thác ồ ạt.

Theo thống kê, tỷ lệ che phủ rừng của Tây Nguyên năm 2005 chỉ còn lại 51% so với 67% năm 1975. Chất lượng rừng suy giảm dẫn đến khả năng giữ nước kém đã là một trong những nguyên nhân chính cho tình trạng gia tăng lũ lụt và thiên tai đối với các tỉnh hạ nguồn trong thời gian gần đây.

Mặt khác, là vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi với hơn 2,9 triệu ha đất đỏ bazan và nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn như Bauxite, đạt gần 5,5 tỷ tấn, nhưng Tây Nguyên vẫn là khu vực có tỷ lệ đói nghèo cao. Thu nhập bình quân GDP đầu người của Tây Nguyên chỉ bằng 51% so với trung bình của cả nước và tỷ lệ hộ đói nghèo đứng thứ hai (38%), chỉ sau vùng Tây Bắc (42%). Đồng bào dân tộc tại chỗ của Tây Nguyên thường nằm vào nhóm dân nghèo và có nguy cơ bị “lề hóa” trong quá trình phát triển xã hội ở Tây Nguyên.

Chương trình điều tra tổng hợp vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên I, từ 1976 – 1980) do Viện Khoa học Việt Nam chủ trì, với mục đích điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên và tài nguyên của Tây Nguyên nhằm xây dựng định hướng phát triển của vùng.

Chương trình xây dựng cơ sở khoa học cho phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên II, từ năm 1984 – 1988) do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì với sự phối hợp của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam với mục đích đánh giá toàn diện nhu cầu và điều kiện tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Chương trình Tây nguyên III – “Chương trình nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên – môi trường, kinh tế – xã hội và đề xuất luận cứ khoa học công nghệ phục vụ chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030” được đánh giá là hết sức cần thiết.

Điều này càng được khẳng định tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho đề cương Chương trình, do Ban chỉ đạo Tây Nguyên và Viện Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng ngày 26/04/2010 tại TP. Buôn Ma Thuột vừa qua, với 100% ý kiến đại biểu đồng thuận việc đề nghị Chính phủ phê duyệt chương trình nghiên cứu Tây Nguyên III để làm cơ sở khoa học cho đề xuất phát triển bền vững Tây Nguyên trong giai đoạn tới. 

Hướng tới một Tây Nguyên xanh và bền vững

Đề cương dự thảo Chương trình Tây Nguyên III do ba cơ quan khởi thảo là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, được xây dựng với mục tiêu đánh giá thực trạng tài nguyên môi trường tự nhiên, kinh tế, văn hóa và xã hội của Tây Nguyên sau hơn hai thập kỷ đổi mới, nhằm đề xuất luận cứ khoa học công nghệ và cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch phát triển Kinh tế – Xã hội Tây Nguyên và các địa phương, xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm trước mắt; nghiên cứu cảnh báo thiên tai và chuyển giao khoa học công nghệ tạo sản phẩm hàng hóa và công nghệ xử lý môi trường Tây Nguyên. 

Một số chuyên gia cho rằng nên tăng cường các hoạt động đánh giá xã hội, tôn giáo và an ninh Quốc phòng bên cạnh đánh giá về điều kiện tự nhiên, để làm tiền đề cho chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng cần có cơ chế để các cơ quan nghiên cứu khoa học và trường đại học trên địa bàn Tây Nguyên có thể chủ động tham gia đánh giá.

Trong thời gian tới, Chương trình Tây Nguyên III sẽ tiếp tục nhận ý kiến đóng góp của các bên liên quan, trước khi được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.