Đen bạc quẳng lại giữa… miền vàng! – Kỳ 2

ThienNhien.Net – Ông trưởng bản người Tày ngồi bên bà mẹ ngoại thất thập trong căn bếp nhà sàn đen ngòm bồ hóng, tối tăm bịt bùng giữa ban ngày, giọng mếu máo:<i> "Chỗ ông giám đốc doanh nghiệp đến nịnh dân tôi ghê lắm. Họ hứa đủ thứ, nào là sẽ mắc điện cho dân dùng, làm nước sạch cho dân ăn; xây nhà văn hoá thôn, giúp đỡ con em đi học, đào vàng đến đâu san ủi trả lại mặt bằng cho bà con đến đấy. Họ hứa sẽ tạo điều kiện công ăn việc làm, sẽ làm từ thiện nâng niu bà con ven mỏ…" </i>

 

Trách “ông cán bộ” còn nhiều  hơn!

 

“…Lúc biết doanh nghiệp lừa dân, chúng tôi đã lăn vào máy móc, cấm bọn làm vàng mở đường vào nhà cửa vườn tược của chúng tôi nhưng lúc ấy cán bộ, công an bảo với người Kim Vân, ai ngăn cản doanh nghiệp làm ăn sẽ bị đi tù… Thậm chí, ông Ngân Đức Đổi, lãnh đạo Mặt trận tổ quốc xã Kim Hỷ này còn trực tiếp cầm bút viết văn bản để hai bên (doanh nghiệp và người dân) ký kết cơ mà. Chúng tôi phải tin chứ, phải tin cán bộ mình chứ. Thế rồi doanh nghiệp cuỗm vàng bỏ đi, chúng tôi trách doanh nghiệp đã đành, mà trách cán bộ thì nhiều hơn.”

 

Trưởng thôn Kim Vân bảo, bà con buồn lắm, nó hứa làm đường cho dân, giờ nó phá tan hoang đường đi lối lại, kể cả con đường cấp phối vào xã mà nhà nước vừa đầu tư 10 tỷ đồng, giờ, xe tải trọng lớn của nó đã biến tất cả thành… ruộng cày.

 

Kênh mương nhà nước làm cho bà con, nó đập vỡ hết. Ruộng của bà con, trở thành núi đất đá, đến trâu bò đi còn ngã què cả chân. Hang núi Tốc Lù với đường nước ngầm không bao giờ cạn, xuyên qua các dãy núi suốt 8km sang tận xã khác, giờ bị bít cửa, mùa mưa, bản làng thành cái hồ đục ngầu nhiễm độc thuỷ ngân và xianua suốt mấy tháng trời.

 

Nhiều vật nuôi, thậm chí cả thanh niên cũng bị sa xuống hồ nước ngập mà chết. Xã vẫn chìm trong tăm tối, bởi không có điện về như doanh nghiệp và cán bộ đã hứa. Nước sạch không về theo lời cam kết, đến nước suối bẩn (bị đục do làm vàng) cũng không có mà dùng nữa.

 

Trong khi đó, 2 bản cam kết giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương, bà con thôn Kim Vân, rất rõ ràng, rằng nếu được khai thác vàng, họ sẽ sử dụng lao động địa phương, xây dựng 3 bể nước sạch lớn, lắp hệ thống chảo năng lượng mặt trời, xây cho địa phương cả nhà họp thôn lẫn nhà văn hoá, sẽ thường xuyên làm công tác từ thiện xã hội cho vùng dân cư còn nhiều khó khăn.


Có một điều ỏn sót duy nhất mà doanh nghiệp Tấn Thành thực hiện được, ấy là sau khi cuỗm bao nhiêu vàng ròng rồi, họ tu sửa cho bà con một cái “nhà văn hoá thôn”, tổng chi phí họ bỏ ra, chính xác tới từng xu là: 22 triệu đồng. Cái nhà đó nguyên là trường học của xã, doanh nghiệp chỉ việc bỏ ra ít tấm tôn lợp lại, tu bổ bờ tường khung gỗ thôi, chứ chẳng phải là xây mới gì.

Nước mắt lương dân sinh ra trên đống vàng

 

Chỉ có vậy, còn lại toàn là lời hứa, và những cam kết đầy lừa lọc với bà con. Đấy là chưa kể, tiếng ồn, sự tàn sát môi trường suốt hàng nghìn ngày trong vùng lõi để làm tổn hại nặng nề tới khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, một báu vật thiên nhiên với các loài động thực vật quý bậc nhất vùng Đông Bắc Việt Nam (ở đây có những rừng nghiến cổ thụ hàng vạn cây, loài vượn má trắng quý hiếm được bảo vệ đặc biệt trên toàn cầu). Cách đào bới vàng như vậy, có lẽ, chỉ có thể dùng từ là “rách giời rơi xuống” thôi.

 

Bà Đinh Thị Gia, mẹ của ông Nông Văn, Trưởng thôn Kim Vân ngồi trong căn bếp đầy khói và muội than, cứ có người hỏi thăm là lại khóc. Bà lo lắm, đất không còn, nước không còn, quê bà giờ thành cái ao bẩn thỉu thế này, con cháu bà sẽ chết đói mất thôi: “Cán bộ xã, cán bộ huyện người ta cũng không về đây nghe dân “tâm sự” như hồi thuyết phục bà con ta cho doanh nghiệp bới vàng nữa đâu.”

 

Trưởng thôn đỡ lời mẹ, quay sang phía nhà báo: “Chúng tôi kêu cứu ghê quá, doanh nghiệp Tấn Thành hết hạn giấy phép khai thác mà nó vẫn làm, thế là vừa rồi lực lượng liên ngành có vào kiểm tra và thu giữ 5 cái xe đào vàng rất lớn của nó, để ở nhà UBND xã. Trước Tết Nguyên Đán Canh Dần vừa rồi, lấy lý do nghỉ tết sẽ không có người trông coi xe cộ bị bắt, người ta cho doanh nghiệp mang cả 5 cái xe đi, bảo rằng mùng 6 Tết sẽ phải nộp lại để xử lý. Tết qua lâu lắm rồi, vậy mà không thấy doanh nghiệp mang xe đến chỗ UBND xã nộp giả cho nhà nước quản lý.” Trưởng thôn và bà con chỉ biết cười chua xót.

 

Nhiều năm qua, biết bao chiến dịch của cán bộ tỉnh và huyện được tổ chức, nạn “vàng tặc” thoái trào được một hai hôm, bán bộ rút, nó lại lên đến cao trào, như một điều không thể nào khác…

 

 Tôi từng được đặc cách lang thang, “vén bức màn bí ẩn” trong các thế giới vàng ròng của non sông Việt, chứng kiến cảnh chưng cất mấy chục ký lô vàng một lúc bên cái hoả lò tuyệt mật, nóng như lò bát quái 2.000 độ C ở Công ty liên doanh với Úc khai thác vàng Bồng Miêu (tỉnh Quảng Nam). Đó là cái mỏ vàng lớn nhất Đông Nam Á. Nơi đây đã được người Chăm cổ khai thác từ nghìn năm trước, từ cả thế kỷ trước, miền vàng này đã bị (được) người Pháp đào những hầm xuyên mấy chục cây số vào trong lòng núi với hệ thống xe goòng chở quặng… hoành tráng đến mức, mới rồi, tỉnh Quảng Nam còn tính mở tuyến du lịch khám phá Cánh Đồng Vàng (chiết tự hai chữ Bồng Miêu, theo tiếng Chăm cổ) và những địa đạo từng “lộng lẫy” vàng thoi bạc nén, từng tràn ngập máu và nước mắt của bao đời phu Việt đi bòn vàng cho cú diều Thực dân (người xứ Quảng có câu cửa miệng đã bao đời vẫn “nóng rẫy” đau thương: “Từ ngày Tây lại đất Hàn/ đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu”)…

 

Tôi cũng từng sống với “vàng tặc” trong “khoét núi ngủ hầm” dọc Tây Bắc và miền Trung, với những trận chiến kinh hoàng giữa bưởng và dân bản xứ, giữa bưởng dao kiếm và bưởng búa rìu. Từng bị khám đến từng chân tơ kẽ tóc, từng khe rãnh ống kính máy ảnh trước khi sửng sốt “mục sở thị” một nghi lễ trưng cất vàng lộng lẫy với cả chục thoi vàng như viên gạch mộc được ra lò trong chớp mắt, để thêm hiểu, vì sao thứ kim loại tên gọi là vàng kia nó lại làm nghiêng ngả hàng triệu hàng tỷ người thế giới, suốt nhiều nghìn năm qua.

Vì thế, cái việc náo loạn trong đào vàng, cấp phép đào vàng và hành hạ “giết chóc” nhau vì vàng, chọc tiết rừng xanh và ruộng đồng sông suối một cách xuẩn ngốc nhất để bới vàng…, tôi cũng chẳng mấy lạ gì. Các cụ đã có những câu rất hàm súc, ngụ theo cái ý xót xa ấy, như: “tham vàng bỏ ngãi”, “sấp mặt vì vàng”, “loá mắt bởi vàng”, “được bạc thì sang, được vàng thì… lụi”.


 
Đen bạc quẳng lại giữa… miền vàng! – Kỳ 1