Một chuyến quét vàng tặc

ThienNhien.Net – Cuộc trò chuyện của nhóm chúng tôi với cán bộ địa chính xã Minh Khai (thành phần không thể thiếu trong các đoàn kiểm tra vàng tặc) sẽ mở ra cho độc giả ít nhiều sự thật trần trụi về các chiến dịch ra quân bạc mặt mà vẫn đành bất lực. Minh Khai là xã cực nóng của huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) về nạn khai thác vàng trái phép, cũng như sự bao che của không ít cán bộ cho nạn xẻ thịt sông, đồng ruộng ra lấy vàng.


Hôm 27 Tết Âm lịch 2010 vừa rồi, ông có tham gia “giải toả” các bãi vàng trái phép với đoàn cán bộ tỉnh, huyện,cùng lực lượng công an không?

Cán bộ địa chính xã Minh Khai (CBĐC): (…) Có, tôi cũng tham gia cùng đoàn ấy.

Kết quả của chuyến đi ấy thế nào thưa ông? 

CBĐC: Kết quả cũng chẳng có gì cả, vì giáp Tết người dân cũng nghỉ làm. Chúng tôi đi trong một ngày, đi dọc các con suối, chỉ thấy củ hút cát và cái máy còn nằm ở bờ sông. Hôm ấy là 27 tết, người ta nghỉ gần hết rồi, chẳng còn ai. Chúng tôi phân chia làm 6 tổ, có khi lập biên bản thì trước mặt chỉ có một cái củ máy hút cát của bọn làm vàng để lại, còn người thì chẳng thấy đâu. 

– Chắc là đi vất vả lắm?

CBĐC: Có chứ! Đi bộ dọc suối, các anh bảo nó gần đâu, giáp ranh với tận tỉnh Bắc Cạn kia mà. Đi bộ mất 2 tiếng đồng hồ mới đến được. Khi phát hiện máy làm vàng người ta bỏ lại ven suối, lấy đâu ra người để khênh “tang vật” về. Không có người, thấy lán ở đó thì đành lập biên bản không có chủ. Tổ của mình có 6 người thì làm sao khênh được cái máy nặng gần 2 tạ, “củ” (máy) kia nặng khoảng tạ mấy nữa. Tổ mình không có người làm sao khênh được. Sáng đi từ 7 giờ, mang theo cơm nắm đi ăn, đến 4 rưỡi chiều mới về họp ở Uỷ ban (xã) và làm báo cáo nữa. Ngày ấy mỗi tổ mình có lập được biên bản, còn những tổ khác không có gì.

Vậy lập biên bản rồi thì xử l‎ý thế nào? Chúng tôi nghe nói, tang vật bị người dân “cướp” lại, khênh về nhà hết? 

CBĐC: Đợt ấy là giáp Tết rồi, về sau ăn tết xong, ngày mùng 6 âm lịch đi vào hiện trường kiểm tra lại, thì người dân dọn hết không thấy đâu nữa. Người dân họ dọn đi hết. Thế là thôi không xử l‎ý gì nữa, chuyện đó diễn ra ở bản Chông Cá (?), cách UBND xã tầm 14km, họ làm (vàng) ở ven và dưới lòng suối Nặm Cung, suối này bắt nguồn ở khu chợ Bằng Khẩu. 

Ở xã Minh Khai mình thì thôn (bản) nào có nhiều chỗ bị khai thác vàng nhất?

CBĐC: Dọc theo suối Nặm Cung này chỗ nào cũng có đãi vàng. 

Xã mình có công ty nào được cấp phép khai thác vàng không? 

CBĐC: Xã có doanh nghiệp Hoàng Ngọc được cấp phép, nhưng đã hết hạn từ tháng 11/2009. Hết phép và UBND tỉnh (tạm) không cấp phép tiếp nữa vì ô nhiễm môi trường. Lúc đầu (công ty) chỉ có thăm dò, về sau họ tiến hành khai thác thì Cảnh sát môi trường vào lập biên bản vi phạm các quy định về môi trường, không cho khai thác. Họ lấy ô tô chở đất về đổ xuống, đắp hai cái đập ngăn qua, cho nước trong rồi mới thải ra ngoài, nhưng rồi giấy phép hết hạn, Cảnh sát Môi trường không cho khai thác vàng nữa. Công ty Hoàng Ngọc đươc cấp phép khai thác trên diện tích 9,2ha. 

Địa phương cũng có nhiều cán bộ bị kỷ luật vì nương tay hoặc trực tiếp làm “vàng tặc”, là cán bộ địa chính, “quản” cái lĩnh vực này, chắc các ông cũng khổ tâm lắm? 

CBĐC: Cũng vất vả lắm! Nhất là những lúc nông nhàn dân họ lại “rộ lên” (ồ ạt đi đào vàng), mình phải thành lập từng tổ đi đến tận nhà dân nhắc nhở các hộ không làm nữa. Khi có công văn của huyện, tỉnh xuống thì xã mình cũng đi vận động họ (dân) không làm vàng trái phép nữa.

Suối chảy qua xã Minh Khai này, nó bắt nguồn từ Nước Hai, Thượng Ân… chảy xuống. Hồi xưa, suối này nó trong, gần đây mấy xã họ làm vàng (không chỉ ở Minh Khai) mới bắt đầu bị đục. Hồi những năm 1980 đổ đi, bà con đã đào vàng, nhưng không hiện đại như bây giờ, mà chỉ là người xuống lấy cát rồi mang đi đãi bằng máng thôi. Đến đầu những năm 1990, thị họ chuyển sang dùng ben, tời để tời cát sông lên. Đến khoảng năm 2000 thì dùng củ (máy) hút 6 cát lên, rồi dùng cáng khênh. Đến năm 2005 – 2006 thì họ dùng máy múc khổng lồ về múc như cái chiến trường. 

Nhìn tan hoang thế này, đủ biết hậu quả của việc khai thác vàng khủng khiếp đến mức nào!

CBĐC: Việc khai thác vàng có làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, giặt giũ của người dân nhiều lắm. Nước tắm giặt hàng ngày, giờ họ phải lấy ở các khe suối xa, không dùng được nước sông nữa. Vì nó đục ngầu. 

– Xin cảm ơn cuộc trò chuyện thẳng thắn của ông!

Thị xã bị….đầu độc (Kỳ 1)