Sản xuất giống bạch đàn mô để trồng rừng công nghiệp

ThienNhien.Net – Từ kết quả nghiên cứu của Thạc sỹ Trần Thị Doanh, Trung tâm Khoa học và Sản xuất Lâm Nông nghiệp Quảng Ninh, hiện nay một số công ty, gia đình ở Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bình Định, Đắc Lắc… đã đưa cây bạch đàn mô vào trồng rừng công nghiệp, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.


Giống bạch đàn này được tạo ra nhờ ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô – tế bào thực vật. Công nghệ đã phối hợp 2 công đoạn nhân chồi và kéo dài thân, vừa nâng cao hệ số nhân và số chồi hữu hiệu, vừa rút ngắn thời gian cấy chuyển, chuẩn hoá cây và cải tiến môi trường ra rễ. Việc sử dụng triệt để ánh sáng tự nhiên để nuôi cây và dùng những vật liệu than, hoá chất rẻ tiền góp phần giảm chi phí đầu vào.

Cây tạo ra sinh trưởng, phát triển nhanh, rút ngắn chu kỳ khai thác, mang lại hiệu quả cho người trồng rừng và tạo công ăn việc làm cho khoảng 100 lao động với thu nhập trung bình 2 triệu đồng/tháng/người.

Thạc sỹ Trần Thị Doanh cho biết: “Muốn cây trong ống nghiệm thích nghi với điều kiện bên ngoài phải có bộ rễ khoẻ mạnh nên chúng tôi đã sử dụng nhóm chất điều tiết sinh trưởng có tác dụng kích thích tạo rễ bất định, dùng than hoạt tính ở nồng độ khác nhau cải thiện chất lượng bộ rễ. Để cây giống cung cấp cho các vườn ươm ở vùng xa có tỷ lệ sống cao cần xác định loại hoá chất, nồng độ, phương pháp bảo quản đến tỷ lệ sống của cây con sau khi cấy. Khi mang mầm đi xa, nếu thời gian dưới 3 ngày thì bảo quản bằng cách ra cây mầm rồi hồ rễ bằng đất, nếu trên 3 ngày thì bảo quản trong bình”.

So với các công nghệ hiện có, công nghệ này ngoài áp dụng cho dòng bạch đàn mô còn có thể áp dụng để sản xuất cho các dòng bạch đàn khác một cách hiệu quả vì vậy sản phẩm tạo ra với số lượng lớn, đa chủng loại.

Trong xu hướng hội nhập, nhiều liên doanh nước ngoài đang đầu tư mạnh vào nước ta trên lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu mà chủ yếu là trồng bạch đàn, do vậy khả năng ứng dụng, nhân rộng kết quả này là rất khả thi. Công nghệ có thể chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu sản xuất cây giống bạch đàn mô.