Khắc phục sự đóng cặn trong hệ thống cấp nước sạch

ThienNhien.Net – Thạc sĩ Trương Công Nam – Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế (Cowasu) cùng cộng sự đã vừa nghiên cứu thành công các giải pháp khắc phục sự đóng cặn trong hệ thống cấp nước sạch nhằm đảm bảo cấp nước uống an toàn.


Công trình nghiên cứu là một trong những bước tiến đột phá của Cowasu, đưa công ty trở thành đơn vị đầu tiên công bố cấp nước uống an toàn trên diện rộng, là 1 trong 3 công ty cấp nước ở Đông Nam Á được Tổ chức Y tế Thế giới chọn là đơn vị điển hình cấp nước an toàn tại Việt Nam. Công trình nghiên cứu có thể được tham khảo và áp dụng rộng rãi cho tất cả các công ty cấp nước trên toàn quốc. Hệ thống các giải pháp đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí nhờ sử dụng hầu hết các vật tư được sản xuất trong nước hoặc tự chế tạo.

Hiện nay, theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, độ đục của nước quá cao, mức tối đa cho phép lên đến 2 NTU nên lượng cặn từ nhôm, sắt, mangan còn cao. Quá trình xử lý nước không hoàn toàn loại bỏ các cặn bẩn có kích thước bé. Nhóm tác giả đã đưa ra giải pháp đồng bộ nhằm đạt độ trong của nước sau xử lý xuống dưới 0,2 NTU như xây dựng yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn cho từng công đoạn xử lý nước; giám sát chặt chẽ quá trình xử lý nước theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, ISO 17025; xử lý hạ thấp sắt, mangan tồn dư xuống dưới 0,02mg/l.

Nhóm tác giả cũng sử dụng mút đặc chủng với sáng kiến cắt thành 4 miếng, bọc vải áo giáp và chổi quét vào mút để thông rửa bên trong các tuyến ống trên toàn mạng cấp nên đã loại bỏ được các loại cặn lưu cũ trong hệ thống với chi phí tiết kiệm nhất. Với các loại cặn phát sinh, nhóm đề xuất xử lý bề mặt và tráng bảo vệ bên trong các ống này bằng cách sử dụng máy quay ly tâm ở tốc độ cao để tạo lớp vữa xi măng tráng phía trong thành ống; thử áp lực ống sau khi phục hồi; thay thế các mối nối cứng…

Đồng thời, công tác vệ sinh, súc rửa các tuyến ống trước khi đưa vào sử dụng cũng phải được thực hiện bằng cách dùng mút để thông rửa, sử dụng mũi khoan điểm khởi thuỷ có thể lấy phế liệu sau khi khoan ra khỏi đường ống, sử dụng ống mới đảm bảo tiêu chuẩn trong thi công như ống gang, thép có lớp bảo vệ hoặc ống HDPE chất lượng cao…loại bỏ tận gốc hiện tượng đóng cặn, nâng cao chất lượng nước, hạ thấp tỷ lệ thất thoát nước.

Nếu thực hiện giải pháp này, hàng năm sẽ tiết kiệm cho Cowasu hơn 4,7 tỷ đồng nhờ giảm được chi phí nhân công và lượng nước xúc xả định kỳ và gần 7 tỷ đồng chi phí đầu tư xây dựng thêm các bể lọc tại nhà máy.