Phát triển nho sạch hơn ở xứ rượu vang Pháp

ThienNhien.Net – Một ngày thu đẹp trời, tại thị trấn trồng nho nổi tiếng Saint Émilion (Pháp), những người nông dân, các nhà khoa học và các em nhỏ đang tích cực trồng những bờ giậu giữa các ruộng nho. Hoạt động này nằm trong chương trình áp dụng đa dạng sinh học nhằm giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo môi trường sống cho những côn trùng hữu ích giúp loại bỏ sâu bệnh nho.


Phương pháp mới này xuất phát từ một dự án đa dạng sinh học đầy tham vọng do những những người trồng nho tiên phong trong phát triển nông nghiệp bền vững khởi xướng.

Kể từ năm 1999, vùng đất Saint Emillion với 8.000 ha diện tích đất trồng nho làm rượu vang đã được tổ chức UNESCO xếp hạng Di sản Thế giới cần bảo vệ. Tuy nhiên, sự đa dạng sinh học của vùng đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa do quá trình đô thị hóa, việc sử dụng hóa chất để diệt sâu bệnh và sự độc canh.

Dự án nói trên hy vọng cải thiện thực trạng này bằng việc dựng lên hàng chục km hành lang xanh nối với nhau, cho phép các sinh vật có thể di chuyển giữa hơn một nghìn ruộng nho, giúp giảm thiểu xói mòn đất và hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên đến thời điểm này, số hành lang xanh vẫn còn thưa thớt.

Không thể phủ nhận rằng truyền thống trồng nho đã làm cho vùng đất này trở nên giàu có, nhưng cũng chính phương pháp độc canh một vụ nho đã tạo môi trường sống lí tưởng cho những loài sâu bọ gây hại như nhện và bọ lá, những “cư dân bất đắc dĩ” đã gây ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng nho.

Trong nhiều thập kỉ qua, việc sử dụng thuốc trừ sâu vẫn luôn là một vòng tròn luẩn quẩn. Ông Patrice Hateau, chủ trang trại trồng nho lâu đời và lớn nhất ở Saint Emilion cho biết, việc dùng thuốc trừ sâu giết hại tới 97% loài côn trùng có ích trong khi chỉ tiêu diệt được 3% loài có hại. Chẳng hạn, thuốc trừ sâu không những không thể diệt loài nhện ve mà còn giết kẻ thù tự nhiên của nó là loài nhện Typhlodromus. Trong khi chỉ cần một con nhện Typhlodromus cũng có thể dẹp bỏ nỗi lo về nạn nhện hại nho.

Thuốc diệt cỏ cũng trở thành một gánh nặng với môi trường bởi có đến 90% loài sâu bệnh sống trên đất.

Ông Philippe Bardet, một người trồng nho tham gia dự án cho biết, trong 20 năm qua, ông đã trồng bờ giậu và để cho cỏ mọc tự nhiên, giảm can thiệp hóa học bằng cách tạo ra cảnh quan môi trường thu hút các côn trùng có ích nhằm tạo ra những cây nho khỏe mạnh. Các loài ăn côn trùng tự nhiên đã giúp chống lại sâu bệnh hại nho, cỏ mọc giữa các luống nho giúp giảm tình trạng dịch bệnh, nấm mốc tới 30%.

Tuy nhiên sự đa dạng sinh học nơi đây đang bị đe dọa bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng, rõ nét nhất là những thị trấn quanh vùng Bordeaux. 385 thị trấn lân cận là chừng ấy mối đe dọa với người trồng nho.

Những dãy đèn đô thị luôn thu hút các loài côn trùng, trong khi các bệnh viện xung quanh luôn muốn làm sạch các vũng nước – nơi cung cấp môi trường sống lí tưởng cho các loài côn trùng và thực vật có ích.

Mặc dù vấp phải nhiều khó khăn, dự án cũng đã đạt được những thành công nhất định trong việc triển khai mô hình đa dạng sinh học như một sự thay thế thuốc trừ sâu.

Ông Patrice Hateau, giám đốc trang trại trồng nho Chateau Fombrauge cũng tham dự án, cho biết kể từ năm 2005 ông đã cho trồng cỏ giữa kcác lối đi và từ vụ mùa 2008-2009 vườn nho của ông không sử dụng bất kì loại thuốc diệt cỏ nào trừ một lượng nhỏ thuốc trừ sâu, cùng các chế phẩm hữu cơ chăm sóc cây trồng. Và kết quả là ông đã thấy rõ những chuyển biến tích cực trong vụ nho năm nay.

Theo ông, đó là cách duy nhất không những giúp gìn giữ những giá trị nông nghiệp bền vững mà còn bảo vệ được môi trường sống cho các thế hệ tương lai. Ông cũng tin rằng đa dạng sinh học sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho vùng đất trồng nho quê hương ông bên cạnh lợi thế về lãnh thổ: ”Mọi người có thể chia sẻ hoặc sao chép phương pháp của chúng tôi nhưng không ai có thể sao chép vị trí lãnh thổ của chúng tôi…”