Nên đóng cửa các trại nuôi nhốt hổ

ThienNhien.Net – Đó là lời kêu gọi của Chương trình Sáng kiến hổ toàn cầu tại hội nghị cấp cao về bảo tồn hổ diễn ra tại Thái Lan trong tuần qua. Đại diện chính phủ của 13 quốc gia có hổ sinh sống đã tham gia sự kiện quan trọng này.


Trong các hội thảo về bảo tồn hổ diễn ra thời gian qua, việc nhân nuôi hổ tại các trang trại tư nhân đã được phân tích mổ xẻ khá nhiều. Lý lẽ của các chuyên gia bảo tồn cho thấy việc phát triển các trại hổ nuôi nhốt không chỉ là việc làm phi nhân đạo mà còn thúc đẩy nhu cầu thị trường tiêu thụ các bộ phận cơ thể và sản phẩm dẫn xuất từ hổ.

Bất chấp các nỗ lực bảo tồn hổ được thực hiện ở nhiều nơi và tốn kém nhiều tiền bạc, số lượng hổ trong tự nhiên vẫn không ngừng suy giảm. Từ khoảng 100.000 cá thể, qua một thế kỷ quần thể hổ hoang dã nay chỉ còn khoảng 3.200 con.

Ở 5 nước khu vực hạ lưu Mê Kông gồm Myanmar, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam, hổ cũng suy giảm mạnh, từ con số 1.200 cá thể năm 1998 giảm chỉ còn 350, tính đến tháng 1 năm 2010 – năm con Hổ đối với Việt Nam và một số nước châu Á khác.

Phụ loài hổ Đông Dương, vốn chỉ có và từng có số lượng lớn ở ba nước Lào, Việt Nam, Cam-pu-chia, như các chuyên gia của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết, nay còn không quá 30 cá thể/nước nếu tính một cách bình quân. Có thể nói với đà suy giảm này, loài hổ đang đứng trước nguy cơ nhãn tiền tuyệt chủng.

Mối đe doạ trực tiếp đối với loài hổ là nạn săn bắt và thu hẹp môi trường sống, trong đó có sự góp phần đáng kể của các chương trình xây dựng đường xá, công trình phát triển hạ tầng cơ sở và việc mở rộng các đồn điền cây công nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển các trang trại nuôi nhốt cũng bị đánh giá ảnh hưởng rất tiêu cực đến sự sinh tồn của quần thể hổ hoang dã.

Trung Quốc – Cứng rắn nhưng chưa đủ quyết đoán

Trong số các quốc gia có trang trại hổ nuôi nhốt, Trung Quốc thu hút sự chú ý của dư luận hơn cả. Từ một trang trại tư nhân hình thành trước năm 1993, đến nay Trung Quốc đã có 5.000 cá thể hổ nuôi nhốt.

Bản thân Chính phủ Trung Quốc đã tỏ thái độ rõ ràng trong việc ngăn chặn nạn buôn bán phi pháp hổ và các bộ phận cơ thể hổ. Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm từ năm 1993 đối với các hoạt động này, cũng đã có chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm, ra chỉ thị cấm việc trưng bày các dược phẩm chiết xuất từ hổ tại các hiệu thuốc, và gần đây nhất là tuyên bố mạnh mẽ thúc đẩy hơn khâu thực thi pháp luật.

Song, ở một mặt khác, chính sách của Trung Quốc đã bị “mềm yếu” bởi ngay từ đầu không ngăn cản sự bùng phát các trại nuôi tư nhân. Các nhà chức trách Trung Quốc cho rằng các trang trại nuôi nhốt chỉ phục vụ mục đích thu hút khách du lịch và không làm suy hại đến hổ hoang dã. Tuy nhiên, lập luận này đã bị các nhà hoạt động môi trường chỉ trích. Sự khoan nhượng của Trung Quốc trong vấn đề nuôi nhốt hổ cũng đã gây sự lo ngại cho quốc gia láng giềng Ấn Độ.

Gần đây nhất, Trung Quốc đã hứa sẽ thắt chặt hơn các quy định về nuôi nhốt hổ. Tuy nhiên, đối với các chuyên gia bảo tồn, điều đó là chưa đủ. Giám đốc Chương trình Sáng kiến hổ toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, Kesha Varma, đã chính thức kêu gọi Trung Quốc và các nước châu Á khác nên dẹp bỏ các trang trại này.

Nên bi quan hay lạc quan?

Có ý kiến cho rằng đến 2022, quần thể hổ rất có thể tuyệt chủng cục bộ ở khu vực Đông Dương. Nếu điều tồi tệ đó xảy ra với một vùng nào đó ở Việt Nam ta, một nước sử dụng hệ lịch Can Chi, thì nghĩa là năm nay nơi đó sẽ đón cái Tết “Tống Dần” chứ không phải “Canh Dần”.

Mặc dù vậy, nhận định đó có thể hơi cực đoan so với những nỗ lực vẫn đang tiếp diễn của các tổ chức bảo tồn. Có thể nhìn thấy điều này khi năm 2008, một Chương trình Sáng kiến hổ toàn cầu đã được Ngân hàng Thế giới phát động, với sự hưởng ứng của Viện Smithsonian (một học viện nghiên cứu và bảo tàng lớn của Hoa Kỳ) và gần 40 tổ chức bảo tồn trên thế giới. Sáng kiến này đặt mục tiêu sẽ tăng gấp đôi số lượng hổ trong tự nhiên đến năm 2022.

Mike Baltzer, phụ trách chương trình bảo tồn hổ của WWF cho rằng thời điểm hiện tại là một cơ hội tốt để các chính phủ thể hiện thiện chí và quyết tâm của mình để cứu vãn đàn hổ hoang dã. Điều đó cũng đồng nghĩa chúng ta phải ngăn chặn được việc buôn bán bộ phận cơ thể hổ, kiểm soát được nạn săn bắn và giữ được môi trường sinh thái của loài này.

Tháng 9 tới, các chính trị gia sẽ tề tựu tại Vladivostok trong một hội nghị thượng đỉnh do chính thủ tướng Nga Vladimir Putin chủ trì. Liệu chăng đến thời điểm đó có gì sáng sủa hơn sau sự cất công hô hào của Ngân hàng Thế giới vào những ngày đầu năm này?