Thái Lan luật hoá việc đánh giá tác động sức khỏe

ThienNhien.Net – Theo quy định mới của chính phủ Thái Lan, các dự án có nguy cơ gây hại cho môi trường, tài nguyên và sức khỏe cộng đồng sẽ phải thực hiện đầy đủ cả ba quá trình: đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động sức khoẻ và trưng cầu ý kiến công chúng.


Mặc dù quy định mới này chưa định rõ thuật ngữ “những dự án có hại” hay liệt kê các dự án này nhưng báo chí trong nước nhận định một số dự án lớn của Thái Lan chắc chắn sẽ bị đưa vào “tầm ngắm” trong thời gian tới.

Đây là một quy định được ban hành khẩn cấp, nhằm giải cứu tình trạng tê liệt của vùng công nghiệp Map Ta Phut – được coi là một sự cố lớn đối với nền kinh tế Thái Lan. Với khiếu nại của các nhóm môi trường và những cư dân địa phương về việc chính phủ đã cấp phép cho các dự án trái quy định pháp luật, đi ngược lại Hiến pháp, Tòa án Tối cao nước này cuối cùng đã phải tôn trọng một quyết định do toà án cấp địa phương ban hành, buộc đình chỉ 65 dự án tại vùng công nghiệp lớn nhất của Thái Lan, thuộc tỉnh Rayong.

Theo Hiến pháp mới của Thái Lan (2007), điều 67 ghi rõ: Bất cứ dự án, hoạt động nào có nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến môi trường, sức khoẻ con người và chất lượng cuộc sống sẽ không được phép thực hiện nếu không tiến hành đánh giá tác động môi trường và sức khỏe.

Bộ Luật Sức khỏe của Thái Lan năm 2007 cũng quy định: Tất cả mọi công dân đều có quyền yêu cầu đánh giá tác động sức khỏe và tham gia vào quá trình đánh giá này đối với bất kỳ chính sách công nào.”

Xảy ra sự việc này, từ Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cho đến các nhà quản lý trong nước đều như ngồi trên lửa bỏng. Họ lo lắng nếu không tìm được giải pháp xử lý sớm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt dòng đầu tư nước ngoài đang đổ vào Thái Lan.

Đã từng có ý kiến bi quan cho rằng tình trạng có thể tồi tệ hơn và ảnh hưởng của sự cố Map Ta Phut có thể sẽ ảnh hưởng đến GDP của Thái Lan trong vòng 5-10 năm tới.

Chạy đua với thời gian, cuối cùng thì một văn bản luật cũng được ban hành ngày 29/12, đúng như yêu cầu của Thủ tướng Abhisit rằng nó phải được công bố trước khi bước sang năm mới, trong đó đáng chú ý có phần hướng dẫn việc thực hiện đánh giá tác động về sức khoẻ – một nội dung cụ thể hoá điều 67 của Hiến pháp (2007).

Những hướng dẫn đánh giá về tác động sức khỏe không nằm tách bạch mà trở thành một phần của quy định chung về đánh giá tác động môi trường.

Do ban hành gấp gáp nên quy định mới đã mắc một số khiếm khuyết, có nội dung bị lặp với các điều luật đã ban hành, cũng có điều chưa thực sự phù hợp hay phản ánh đúng tính chất “đánh giá tác động sức khoẻ”. Quá trình đánh giá tác động sức khỏe yêu cầu tới bốn lần trưng cầu ý kiến công chúng, trong đó ba lần trưng cầu do chủ dự án tiến hành, một lần do các nhà quản lý và cấp phép cho dự án thực hiện, điều này bị coi là quá phức tạp.

Tuy nhiên, có một điểm nổi bật trong quy định mới này là các tác động tích cực và tiêu cực của dự án đối với nền kinh tế địa phương, tới tình trạng công ăn việc làm cũng như sinh kế người dân đã được tính đến như một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Được biết, vấn đề đánh giá tác động sức khỏe đã manh nha ở Thái Lan từ năm 2000, thời kỳ diễn ra cải cách hệ thống y tế quốc gia, khởi đầu một cách nhìn mới về sự tham gia của các tổ chức xã hội vào quá trình đánh giá chính sách công.