Tết đến nguy cơ thực phẩm “bẩn” gia tăng

ThienNhien.Net – Khi Tết Nguyên Đán đang đến gần, thị trường thực phẩm phục vụ tết trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là thời điểm những người tiêu dùng cần phải chú ý để mua được các loại thực phẩm đảm bảo chất lượng cho sức khoẻ khi thực phẩm tốt xấu lẫn lộn tràn lan trên thị trường.

Trong buổi toạ đàm “Cảnh báo lạm dụng hoá chất trong lương thực, thực phẩm” do báo Khoa học và Đời sống chủ trì diễn ra vào ngày 29/01/2010 tại Hà Nội, GS.TSKH Lê Doãn Diên – Chủ tịch Hội KH&CN Lương thực, thực phẩm – cho hay, bên cạnh những thành tựu cơ bản có ý nghĩa chiến lược của ngành Hoá học và Sinh học vào sự phát triển của nền nông nghiệp nước ta thì quá trình hoá học hoá ngành nông nghiệp cũng đã gây ra nhiều điều bất lợi. Đặc biệt là sự vi phạm độ an toàn và vệ sinh của nông sản, l­ương thực, thực phẩm, sự nhiễm bẩn môi trường và làm mất tính ổn định và sự cân bằng của hệ sinh thải.

 
GS.TSKH Lê Doãn Diên – Chủ tịch Hội KH&CN Lương thực, thực phẩm. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Việc lạm dụng phân hoá học, việc bón một l­ượng rất lớn các loại phân đạm vào đất để tạo năng suất cây quả trong thời gian qua là một sự can thiệp thô bạo nhất và quan trọng nhất của con ng­ười vào chu trình tuần hoàn tự nhiên của các chất. Các cây trồng đã không sử dụng hết lư­ợng phân đạm đã bón và lư­ợng phân đạm dư­ thừa này sẽ bị bốc hơi vào không khí hoặc bị rửa trôi từ đất xuống hồ ao, sông lạch, làm nhiễm bẩn các hồ chứa n­ước, giết chết các loại cá ở hồ, ao, sông lạch, đầu độc chim muông và các động vật máu nóng.

Các hợp chất nitơ, đặc biệt là nitrate, rất nguy hiểm đối với sức khoẻ con người khi nó tồn tại ở trong các loại nông sản, l­ương thực và thực phẩm cũng như ở trong nư­ớc uống với một liều lư­ợng cao hơn mức quy định của Tổ chức Y tế thế giới. Đặc biệt nếu hàm lượng nitrate trong nước uống và trong rau quả cao sẽ gây ra 2 bệnh hiểm nghèo: Hội chứng trẻ xanh (Methemoglobinaemia) thường xảy ra khi đứa trẻ dưới 1 tuổi, nó gây “tắc nghẽn hóa học” và kìm hãm sự vận chuyển oxy trong máu làm cho đứa trẻ xanh xao, chậm lớn gầy yếu, và bệnh ung thư dạ dày ở người lớn.

Đây là một vấn đề hết sức bức xúc và rất quan trọng đòi hỏi mọi ngành phải quan tâm giải quyết. Việc giải quyết vấn đề này không những có ý nghĩa về mặt khoa học công nghệ mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội và nhân văn, nhất là đối với thể lực và trí tuệ của các thế hệ mai sau. Vì đồng tiền, vì sự hám lợi trước mắt mà người ta sẵn sàng bán rẻ thế hệ tương lai, ảnh hưởng đến sự tồn vong của con người. 

Cũng phải nói rằng, chế tài của nước ta còn kém, chưa có tính răn đe, nhiều cơ sở phát hiện sai phạm xong phạt hình chính dăm ba triệu đồng, sau đó lại sản xuất tiếp.

Còn theo bà Lê Thị Hồng Hảo – Phó Viện trưởng Viện Kiểm định thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế để cho sản phẩm trở nên bắt mắt người tiêu dùng, để bảo quản hàng hóa trong thời gian dài, nhiều loại chất tạo màu và chất bảo quản đã được sử dụng. Đặc biệt lưu ý với 3 nhóm được sử dụng rộng rãi nhất đó là: nhóm phẩm màu, nhóm các chất bảo quản và nhóm hoá chất bảo vệ thực vật.

 
Bà Lê Thị Hồng Hảo – Phó Viện trưởng Viện Kiểm định thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế (Ảnh: ThienNhien.Net)

Các phẩm màu được bổ sung vào thực phẩm với mục đích tạo cho sản phẩm có màu sắc đẹp, tăng tính hấp dẫn đối với người tiêu dùng, hoàn toàn không có giá trị về mặt dinh dưỡng. Trong khi đó, nhóm phẩm mầu có nguồn gốc tự nhiên có nhược điểm là độ bền kém, sử dụng với lượng lớn nên giá thành sản phẩm cao nên nhiều người/nhà sản xuất lựa chọn sản phẩm màu tổng hợp hoá học. Nếu sử dụng với mức giới hạn cho phép thì không ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, nhưng vì hám lợi nên chúng đã bị lạm dụng quá nhiều.

Phẩm màu  được sử dụng khá  phổ biến trong nhóm thực phẩm chế  biến sẵn như bánh, mứt, kẹo, hạt dưa, tương ớt, ớt bột, thịt quay, thịt nướng,… các sản phẩm được bán ở các quán hàng rong, các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chính vì thế ta không nên chọn những thực phẩm có màu quá sặc sỡ, lòe loẹt.

Còn việc nhận ra một loại thực phẩm bị lạm dụng chất bảo quản là chuyện không đơn giản với người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần lưu ý rằng việc lạm dụng chất bảo quản tập trung chủ yếu vào các sản phẩm không bao bì nhãn hiệu hoặc xuất xứ không rõ ràng.

Để tự bảo vệ mình, trước người tiêu dùng cần có con mắt tiêu dùng thông thái, nhất là khi dịp Tết Nguyên Đán đang đến gần, thị trường tràn lan các mặt hàng, rất nhiều loại không rõ nguồn gốc.