Người Sabah có hy sinh môi trường vì điện?

ThienNhien.Net – Kế hoạch xây dựng một nhà máy nhiệt điện ở Borneo, Malaysia có thể gây tổn hại tới rạn san hô nổi tiếng thế giới, gây ô nhiễm không khí và nguồn cung cấp nước, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của rừng mưa nhiệt đới vùng Sabah, làm lu mờ những nỗ lực của bang này trên con đường hướng tới mục tiêu phát triển vùng trở thành điểm thu hút "đầu tư" xanh và du lịch sinh thái.


Dự án của Tập đoàn Điện lực liên bang Tenaga Nasional Berhad và Công ty năng lượng nhà nước Sabah Sabah Electricity Sdn. Bhd nói trên đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ và buộc phải di chuyển địa điểm hai lần kể từ khi được lên kế hoạch hơn hai năm trước đây.

Nhà máy 300 MW điện này hiện giờ đang được lên kế hoạch xây dựng trên khu vực ven biển nằm giữa Tam giác San hô/Khu sinh thái biển Sulu Sulawesi, một khu vực nổi tiếng với mức độ đa dạng sinh học đáng kinh ngạc.

Theo dự kiến, ban đầu nhà máy nhiệt điện này sẽ được cung cấp than từ các khu vực lân cận Kalimanatan. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ lo sợ rằng khi nguồn than đang dần cạn kiệt, các mỏ khai thác có thể sẽ chuyển sang các lớp trầm tích than giàu có nằm trong khu vực rừng được bảo tồn gần đó.

Nhà máy điện rất có thể còn tàn phá rừng bằng việc xây dựng các đường truyền cắt qua Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tabin, chia rẽ môi trường sống của một nửa số động vật hoang dã còn lại của Sabah, gồm cả loài tê giác Sumatra đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Các nhà hoạt động môi trường cũng quan ngại rằng dự án sẽ gây ô nhiễm không khí và hàng loạt các tác động tiêu cực khác, làm xấu đi hình ảnh của ngành công nghiệp du lịch sinh thái mới nổi của Sabah.

Khí SO2 từ hoạt động đốt than có thể gây mưa axit, phá hủy những khu rừng gần đó, ảnh hưởng tới các hoạt động nông nghiệp, đồng thời gây hại cho hệ sinh thái biển của bang Sabah.

Chất clo và sunfat từ nhà máy thải xuống biển sẽ thúc đẩy khả năng sinh dưỡng của tảo. Ô nhiễm nhiệt cũng là một nguy cơ đẩy san hô và các sinh vật biển khác vào nguy hiểm, ảnh hưởng tiêu cực đến các hệ sinh thái biển như Tun Sakaran và đảo Sipadan, tác động tới ngư nghiệp và các nguồn thu nhập quan trọng khác của người dân.

Nhà máy than này gần như chắc chắn sẽ hướng Sabah khỏi mục tiêu ban đầu là đi đầu trong công nghệ xanh, thay vào đó, sẽ khiến nơi đây trở thành một khu vực khai thác tài nguyên, năng lượng “bẩn” và sản xuất hàng hóa giá trị thấp.

Khí thải CO2 và các khí thải khác từ nhà máy có nguy cơ tàn phá những khu rừng nhiệt đới giàu có, chính là các bể chứa các-bon chìm của Malaysia. Điều này sẽ khiến Malaysia, một đất nước vốn đã chịu áp lực là nước có lượng khí thải gia tăng lớn nhất thế giới từ năm 1990 trong nhóm các nước có thu nhập trung bình và cao, khó mà thanh minh cho những nỗ lực môi trường của mình. Trong khi đó, tại COP15, Thủ tướng Datuk Seri Najib Tun Razak của Malaysia đã cam kết sẽ cắt giảm 40% lượng CO2 vào năm 2020.

Tệ hại hơn, theo các chuyên gia năng lượng, nhà máy nhiệt điện này không có hệ thống thu khí thải CO2 và cũng không áp dụng các công nghệ tiên tiến để hạn chế lượng khí thải. Chính vì thế nhà máy sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khói mù, một hiện tượng nguy hiểm vốn đã bị bán đảo Malaysia, Singapore và các nước lân cận thường xuyên than phiền.

Vậy tại sao dự án nhà máy nhiệt điện này vẫn được triển khai? Công ty điện lực trong chiến dịch truyền thông của mình đã thuyết phục người dân Sabah rằng nhà máy này rất cần thiết để mang lại nguồn điện cho họ. Công ty cũng không quên cảnh báo rằng bờ biển phía Đông của Sabah sẽ còn tiếp tục thiếu điện.

Tuy nhiên, những người phản đối, dẫn đầu bởi nhóm khởi xướng có tên là Green SURF được thành lập bởi các tổ chức phi chính phủ địa phương, cho rằng hoạt động kém hiệu quả của ngành điện Sabah là do máy móc thiết bị hiện có không được duy tu, bảo dưỡng, trong khi các lựa chọn khác như thuỷ điện mặc dù đã được lên kế hoạch nhưng lại bị đình trệ.

Nhóm này cho rằng Sabah có nhiều lựa chọn ít gây hại cho môi trường hơn để cấp phát điện như thủy điện quy mô nhỏ, năng lượng mặt trời, gió và sinh khối.

Để củng cố quan điểm này, Green SURF đã nghiên cứu và xúc tiến phát triển các nguồn năng lượng thay thế bền vững hơn, phù hợp với chính chính sách công nghệ xanh của chính phủ, bảo vệ môi trường bằng các nguồn năng lượng tái tạo và phát huy hiệu quả sử dụng năng lượng.

Song, lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về người dân Sabah. Chính họ sẽ quyết định sẽ giữ công nghệ lạc hậu, thiếu thân thiện môi trường hay chuyển sang các công nghệ xanh với nhiều lựa chọn tiên tiến hơn.