Yên Bái: Đánh giá hiệu quả dự án khí sinh học

ThienNhien.Net – Dự án "Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam" do Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kết hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) được triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ năm 2006. Trung tâm Khuyến nông Yên Bái được tỉnh và ngành nông nghiệp giao thực hiện dự án. Với sự nỗ lực cao của hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến huyện, xã, tính đến hết tháng 11 năm 2009, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng 1.534 công trình khí sinh học. Tất cả những công trình này đều được đưa vào sử dụng, vận hành đạt hiệu quả cao, được Trung ương, tỉnh và ngành nông nghiệp phát triển nông thôn biểu dương và ghi nhận.


Một trong những lợi ích chính và dễ nhận thấy của việc sử dụng công trình dưới dạng khí và phụ phẩm đều được các hộ dân công nhận. Chị Cao Thị Hòa, thôn 2, xã Phúc Lộc, Thành phố Yên Bái cho biết, gia đình chị nuôi 25 con lợn thịt và xây dựng công trình cỡ 9m3, mỗi tháng gia đình chị tiết kiệm từ 300 – 350 nghìn đồng do không phải mua gas, than, củi… Như vậy, một hộ gia đình sử dụng công trình khí sinh học sẽ tiết kiệm được từ 300 đến 400 nghìn đồng/tháng, tương đương với 3,5 đến 4 triệu đồng/năm do không phải mua khí gas hoá lỏng hoặc than, củi, điện… Nếu đem số tiền này nhân với hơn một nghìn công trình trên địa bàn toàn tỉnh thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được từ 5,5 đến 6 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Kiều, thôn Chiến Khu, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên cho biết, gia đình chị nuôi 30 con lợn thịt và 2 lợn nái sinh sản và xây dựng công trình cỡ 12m3 đầu năm 2009, công trình khí sinh học cung cấp lượng khí gas dùng trong sinh hoạt như đun nấu, thắp sáng, chạy bình tắm nóng lạnh rất đầy đủ và thoải mái. Chị còn sử dụng phụ phẩm từ công trình khí sinh học để tưới cho lúa, ngô, rau màu nên các loại cây trồng trên ít sâu bệnh, năng suất và sản lượng tăng.

Ngoài ra, chị Kiều còn nối công trình vệ sinh của gia đình vào công trình khí sinh học nên vừa tận dụng được phân và gia đình chị cũng sẽ tiết kiệm được khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng do không phải xây bể phốt. Số tiền này nếu nhân với khoảng trên 1 nghìn công trình của các hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh thì cũng sẽ tiết kiệm được gần 3,5 đến 4 tỷ đồng.

Như vậy, có thể nhận thấy những lợi ích từ công trình khí sinh học đã đáp ứng mục tiêu ngắn hạn và dài hạn mà dự án đề ra là: cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn thông qua khai thác các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường của công trình khí sinh học quy mô hộ gia đình; ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi; góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tạo ra nguồn năng lượng sạch và rẻ tiền cho người dân nông thôn; góp phần giảm thiểu tình trạng phá rừng để làm chất đốt và giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch; cung cấp phụ phẩm khí sinh học cho trồng trọt và chăn nuôi, tạo ra sản phẩm sạch; hình thành các tổ chức kinh tế – xã hội và các cơ sở kinh doanh chuyên nghiệp về lĩnh vực khí sinh học; góp phần cải thiện sinh kế và chất lượng sống của người dân nông thôn miền núi nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Từ những kết quả và hiệu quả đó, tỉnh Yên Bái đã góp phần không nhỏ tới sự thành công của Dự án Khí sinh học Việt Nam – Hà Lan. Năm 2007 Dự án đã được trao giải nhất năng lượng toàn cầu tại Brussel (Vương quốc Bỉ). Đây là giải thưởng danh giá trao cho các dự án được ghi nhận là có đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu và nóng lên của Trái đất.

Với sự quan tâm và giúp đỡ của Văn phòng Dự án Khí sinh học Trung ương, các cấp, các ngành trong tỉnh, sự làm việc cần mẫn của đội ngũ cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến huyện, xã cộng với sự hưởng ứng tích cực của các hộ dân, chắc chắn Dự án Khí sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Yên Bái sẽ ngày càng gắn bó với cuộc sống của bà con nông dân bằng những hiệu quả thiết thực và gần gũi, từ đó đóng góp thiết thực vào sự phát triển của cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng.