Hải Phòng với chiến lược phát triển khoa học- công nghệ

ThienNhien.net – Trên cơ sở chiến lược phát triển khoa học-công nghệ (KH-CN) đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Hải Phòng đã xây dựng và triển khai nhiều quy hoạch, đề án; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích tạo lập và phát triển thị trường công nghệ. Hải Phòng là một trong số ít địa phương đầu tiên của cả nước đã khai trương Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị, bước đầu thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đến giao lưu, trao đổi và mua, bán công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động sở hữu trí tuệ của thành phố đang dần đi vào nền nếp, có chiều sâu. Nâng cao nhận thức của cộng đồng và các DN về sở hữu trí tuệ. Đến nay, Hải Phòng có gần 1.100 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với nhiều sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại nước ngoài. Thành phố còn tích cực triển khai các chương trình KH-CN hỗ trợ DN hội nhập và phát triển với nhiều nội dung như: hình thành và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; xây dựng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ kinh phí xác lập và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạc…

Thành phố đã áp dụng 2.061 tiêu chuẩn trong hoạt động Kinh tế – Xã hội, trong đó có 119 tiêu chuẩn của nước ngoài; 272 tổ chức, DN được cấp chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Hoạt động quản lý tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Thành phố đã phê duyệt dự án tăng cường năng lực về đo lường, thử nghiệm của Chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng với vốn đầu tư 32 tỷ đồng.

Việc đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ góp phần thúc đẩy một số ngành kinh tế trọng điểm của thành phố như đóng tàu, thép, cơ khí, xi măng, giày dép, chế biến thực phẩm… tăng trưởng nhanh, có đủ khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thương trường, đưa giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng bình quân 18-20%/năm.