Nhiên liệu sinh học có phải là giải pháp tối ưu cho châu Phi ?

Nhiên liệu sinh học hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật, được nhiều nước trên thế giới coi là “giải pháp xanh”, có thể bù đắp cho sự thiếu hụt dầu mỏ trong tương lai và đặc biệt giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Có hai loại nhiên liệu sinh học chính là ê-tha-nôn và dầu đi-ê-zen sinh học. Từ năm 2000 đến nay, ngành nhiên liệu sinh học tại nhiều nước ở châu Âu, Mỹ… đã có những bước phát triển vượt bậc. Hiện Bra-xin là nước sản xuất ê-tha-nôn hàng đầu thế giới. Mỹ cũng đang đầu tư nhiều cho việc tăng sản lượng ê-tha-nôn, chiếm 5% khối lượng nhiên liệu bán ra ở Mỹ. Liên minh châu Âu thì dự định nâng việc sử dụng nhiên liệu sinh học từ mức 1,6% ước tính trong năm ngoái lên 10% vào năm 2020. Tại nhiều nước như Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Phi-líp-pin… nguồn nhiên liệu sinh học đã bắt đầu đưa vào ứng dụng thay thế khoảng 1/10 nguồn nhiên liệu truyền thống. 
Châu Phi cũng bắt đầu tăng tốc với nhiên liệu sinh học. Nhiều chương trình sản xuất nhiên liệu sinh học đã được khởi động ở một số nước thuộc châu lục Đen với hy vọng nguồn nhiên liệu này sẽ thúc đẩy việc xóa đói nghèo cũng như giúp cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tại Nam Phi, Tổng thống T. Mbê-ki đã kêu gọi nghiên cứu và sản xuất nhiên liệu sinh học. Tháng 07/2006, nước này đã khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên của châu Phi để sản xuất ê-tha-nôn làm từ đường có trong ngũ cốc. Dự kiến những thùng nhiên liệu sinh học đầu tiên sẽ bắt đầu chảy vào cuối năm nay, đồng thời các nhà máy tương tự sẽ được xây dựng và hoạt động vào năm 2010.
Tuy là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi nhưng Ni-giê-ri-a cũng không tỏ ra tụt hậu. Với sự giúp đỡ kỹ thuật của Bra-xin, nước này dự định xây dựng 15 nhà máy sản xuất ê-tha-nôn với hy vọng sẽ kiếm được 150 triệu USD/năm và đưa ra mục tiêu có ôtô chạy bằng ê-tha-nôn vào năm 2010.
Xê-nê-gan đã thực nghiệm ở các đồn điền trồng hạt cải dầu để sản xuất nhiên liệu sinh học và một Công ty sản xuất đường đang chưng cất để sản xuất ê-tha-nôn sinh học. Xê-nê-gan cũng thành lập một Bộ mới chuyên về nhiên liệu sinh học và năng lượng thay thế.
 CHDC Công-gô cũng thành lập Ủy ban đặc biệt nghiên cứu sản xuất ê-tha-nôn và cùng một số nước châu Phi khác thử nghiệm sản xuất đi-ê-zen sinh học bằng cách ép dầu từ một loại hạt có tên jatrpha vốn rất dễ mọc ở các vùng đất khô cằn ở châu Phi.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, nhiên liệu sinh học được chiết xuất từ cây trồng đòi hỏi phải có một lượng nước khổng lồ – một nguồn tài nguyên mà nhiều khu vực trên thế giới, nhất là ở châu Phi, vẫn đang thiếu. Theo Viện nước quốc tế (SIWI), năm 2005, hoạt động sản xuất nguyên liệu sinh học đã tiêu thụ một lượng nước tương đương với khối lượng mà khu vực nông nghiệp sử dụng để sản xuất lương thực nuôi sống toàn cầu. Các nhà khoa học cảnh báo rằng, thế giới sẽ không thể cung cấp đủ nước cho ngành nông nghiệp nếu một lượng nước lớn được chuyển sang mục đích trồng cây để sản xuất nhiên liệu sinh học.
 Liên minh Tiền tệ và Kinh tế châu Phi (UEMOA) cũng cảnh báo nhiên liệu sinh học không phải là giải pháp cho các vấn đề năng lượng của châu Phi. Nó không thể thay thế dầu thô truyền thống mà chỉ là dầu mỏ bổ sung và không thể có đủ mức cần thiết để sản xuất hàng loạt.
Ngoài vấn đề thiếu nước, các chuyên gia còn lo ngại rằng ngành sản xuất nhiên liệu sinh học có thể là một đối thủ lớn của ngành sản xuất lương thực. Để có được 95 lít ê-tha-nôn nguyên chất phải cần tới khoảng 200kg ngô. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà máy sản xuất ê-tha-nôn sẽ đe dọa sản lượng lương thực, nhất là tại châu Phi, nơi luôn trong tình trạng thiếu lương thực.