Phục hồi rừng ngập mặn ở Cam Ranh

ThienNhien.Net – Sau 1 năm thực hiện (từ 09/2008 đến 09/2009), Dự án “Mở rộng mô hình phục hồi rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng trên những khu vực nuôi tôm bỏ hoang ở Cam Ranh, Khánh Hòa”, do Tổ chức Rufford Small Grants for Nature Conservation của Vương quốc Anh hỗ trợ, đã kết thúc và đạt được những mục tiêu mà dự án đề ra.


Khu vực thực hiện dự án gồm 10 héc ta đất bỏ hoang, không thể sử dụng để nuôi tôm, thuộc thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa. Nhóm công tác gồm các cán bộ của Phòng Công nghệ Nuôi trồng, Viện Hải Dương học, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản thuộc Đại học Nha Trang và một số người dân tự nguyện tại thôn Mỹ Thanh. Dự án được thực hiện trên nguyên tắc đồng quản lý với sự tham gia của cộng đồng.


Đo đạc độ tăng trưởng của đước. (Ảnh: Viện Hải Dương học Nha Trang)

Nguồn giống là trụ mầm cây đước đôi (Rhizophora apiculata Bl) được thu tại Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cần Giờ. Sau ba lần trồng mới, khu vực đước phục hồi đã được bảo vệ và theo dõi thường xuyên bởi cộng đồng địa phương và nhóm công tác. Tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của cây được theo dõi hàng tháng.

Kết quả cho thấy, sau 9 tháng phục hồi, cây đước đôi có chiều cao dao động từ 39,62 ± 8,21cm đến 58,30 ± 5,11 cm và đường kính dao động từ 1,45 ± 0,19 đến 1,52 ± 0,13cm. Tỷ lệ sống dao động từ 30-80% với giá trị trung bình là 56,22 ± 26,35%. Thành công của dự án có được chính là nhờ sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư địa phương.


Cây đước trồng sau 9 tháng. (Ảnh: Viện Hải Dương học Nha Trang)

Thông qua hoạt động của dự án, nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương về lợi ích của hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng được nâng lên đáng kể. Khu vực phục hồi đã được bàn giao lại cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản và cư dân thôn Mỹ Thanh quản lý.