Con người có thể cải thiện thay vì phá hủy hệ sinh thái ven biển

ThienNhien.Net – Thông thường, ở bất cứ nơi nào có dấu vết con người, người ta sẽ cho rằng cảnh quan nơi đó bị phá hủy. Thế nhưng, theo nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Nature Communications vào hồi đầu tháng 9, trong một vài trường hợp, sự hiện diện của con người lại giúp cải thiện hệ sinh thái của khu vực đó.

Nghiên cứu tìm hiểu về khu vực rừng mưa ôn đới ở đảo Calvert và eo biển Hectate thuộc duyên hải miền trung bang British Columbia, Canada. Khu vực này có lượng mưa cao, trung bình 4m/năm, đất chua và bạc màu, với loài thực vật chủ đạo là tuyết tùng đỏ phương Tây (Thuja plicata).

Rải rác ven biển, một số nhóm thổ dân Canada sinh sống theo mùa hoặc quanh năm. Điều đặc biệt là trong suốt 6000 năm qua, người dân đã khai thác rất nhiều các loài giáp xác và chất thành những đống vỏ có khi sâu tới 5m gần nơi sinh sống. Một vài đống vỏ trông chỉ như đống rác, nhưng một vài chỗ dường như được cố tình tạo thành nền đắp cao hoặc có mục đích chống xói mòn đất. Lớp vỏ này bao phủ hàng nghìn m2 diện tích khu rừng mưa ven biển.

Các nhà nghiên cứu đã kết hợp phương pháp viễn thám và thực địa để ghi lại ảnh hưởng của những đống vỏ giáp xác đối với sự phát triển của khu rừng, đồng thời so sánh thảm thực vật ở những nơi có con người cư trú và những khu rừng cách xa nơi cư trú.

Kết quả cho thấy, cây cối sinh trưởng tốt hơn trong vòng bán kính 200 mét tính từ khu vực bãi vỏ giáp xác so với những nơi khác. Tuyết tùng đỏ ở khu vực này mọc cao hơn, hàm lượng canxi trong gỗ cao hơn, các vòng vân gỗ rộng hơn và các ngọn cây ít bị chết do thiếu canxi. Hơn thế nữa, rác vỏ giáp xác càng chôn sâu thì tác động lên sự sinh trưởng của cây càng rõ nét.

Những chất dinh dưỡng vốn thiếu và do đó hạn chế sự phát triển của cây cối trong rừng mưa ôn đới vùng ven biển như canxi và phốt pho lại có hàm lượng cao hơn trong đất tại các khu vực dân cư, đồng thời đất tại đây cũng ít bị acid hóa hơn những nơi khác.

Những đống vỏ giáp xác vô tình lại là phương thức cung cấp phân bón tan chậm và mang những chất dinh dưỡng từ ngoài khơi về bồi đắp cho hệ sinh thái trong đất liền. Thêm vào đó, lửa do con người tạo ra trong các khu dân cư (những nơi rất ẩm ướt và không bao giờ có lửa cháy tự nhiên) cũng giúp cải thiện năng suất của rừng thông qua việc tăng cường độ pH của đất, bổ sung dưỡng chất, tăng khả năng thoát nước và giúp cân bằng nền đất.

Kết quả càng thú vị hơn khi xét đến mốc thời gian của những sự kiện xảy ra dọc bờ biển bang British Columbia. Loài tuyết tùng đỏ mới chỉ xuất hiện tại đây vào khoảng 7.000 – 8.000 năm trước, trong khi những người dân bản địa đã sống ở đó từ 13.000 năm trước. Hệ thực vật đa dạng như hiện nay cũng mới chỉ xuất hiện khoảng 2.000 – 4.000 năm trước, rất lâu sau khi có sự xuất hiện của con người. Nói cách khác, khu rừng tưởng như là “nguyên thủy” thực ra lại phụ thuộc vào tác động của con người.

Một số người đa nghi sẽ vẫn thắc mắc liệu có phải loài người chỉ đơn giản là khai thác tài nguyên từ một hệ sinh thái và chuyển sang chỗ khác – hay nói cách khác là cải thiện một môi trường (rừng) bằng cách hy sinh một môi trường khác (biển). Tuy nhiên, các nhóm bản địa sống dọc ven biển bang British Columbia cũng đã đồng thời xây dựng các khu vườn vỏ trai hoặc tường đá tại các bãi liên triều giúp thay đổi độ dốc của bờ biển, tăng sự trù phú và mật độ các loài ngao và hàu bản địa.

Rõ ràng, những thổ dân nơi đây đã cải thiện hệ sinh thái vốn hữu hạn chất dinh dưỡng, giúp môi trường xung quanh trù phú hơn.
Bờ biển bang British Columbia là minh chứng đầu tiên về việc lợi dụng bãi triều để tăng cường năng suất rừng. Các nhà khoa học đang hy vọng rằng, điều tương tự cũng xảy ra ở các khu vực khảo cổ dọc các bờ biển trên khắp thế giới.

Ngọc Quỳnh/ Theo Conservation Magazine