Trồng thử nghiệm cây phân xanh cải tạo đất Tây Nguyên

ThienNhien.Net – Sau nhiều năm tập trung nghiên cứu và trồng thực nghiệm, Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường Tây Nguyên (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã chọn và xác định được một số loài cây trồng thích hợp để làm phân bón, cải tạo phục hồi dinh dưỡng và chống xói mòn đất có hiệu quả. Những loại cây này dễ trồng, cho năng suất xanh cao phù hợp với điều kiện canh tác của bà con nông dân địa phương. Hiện nay, Trung tâm đang phổ biến cho ngành nông nghiệp sử dụng các loại cây này dùng làm phân bón phục vụ sản xuất các loại cây công nghiệp, cây lương thực và cải tạo đất.


Các loại cây phân xanh này được chọn lọc từ trong nước và một số được nhập từ nước ngoài. Phần lớn các loại cây thuộc họ đậu, thân mềm, dùng thân, lá làm phân xanh với hàm lượng dinh dưỡng cao, bộ rễ phát triển khoẻ không kén đất, rễ có nốt sần cố định tích luỹ đạm.

Trong số các loại cây đó, có đậu Hồng đáo được nhập vào Việt Nam từ năm 1970, sử dụng trồng xen với cây trồng hàng năm, hoặc trồng vào thời kỳ đầu của cây lâu năm như cà phê, cao su, cây ăn quả các loại để cải tạo đất. Ngoài việc trồng để làm phân, cải tạo đất, đỗ Hồng đáo còn cho hạt là nông sản có giá trị. Cây đậu Mèo Thái Lan được đưa vào trồng ở Tây Nguyên từ năm 1993. Loại cây này có sinh khối hữu cơ cao, có thể gieo giữa hai hàng cao su, hoặc trồng trên vùng đất trống đồi trọc để phủ đất và làm phân xanh. Cây Kutdu (sắn dây dại) là loại dây leo được gieo bằng hạt, hoặc giâm bằng cành dùng trồng giữa các hàng cao su, hoặc trong vườn cây ăn quả lâu năm để phủ đất và cắt làm phân xanh.

Qua thực tế nghiên cứu, Trung tâm đã xác định các loại cây Muồng hoa vàng hạt lớn và Muồng hoa vàng hạt nhỏ là những loại dễ trồng với năng suất chất xanh cao. Cả hai loại cây Muồng hoa vàng này có thể gieo thuần phủ đất, gieo thành băng chắn gió, che bóng tạm thời, chống xói mòn đất, gieo giữa các hàng cao su, cà phê, hoặc cắt làm phân xanh.

Các loại cây Cốt khí, đậu Săng, đậu Kiếm là những loại được trồng phổ biến trên vùng đất đồi núi để cải tạo đất và chống xói mòn. Các loại cây này đều phát triển khoẻ, rễ bám sâu, có năng suất cao, hàm lượng dinh dưỡng trong thân, lá nhiều. Đối với các loại cây như giống cỏ Stylosanthes, Thảo quyết minh và cây đậu Fleimingia được Trung tâm trồng thực nghiệm và nghiên cứu nhiều năm đã cho kết quả khả quan về việc trồng làm phân xanh và cải tạo đất phù hợp với điều kiện sản xuất ở Tây Nguyên.

Trong quá trình nghiên cứu, phân tích hàm lượng dinh dưỡng của các loại cây trên cho thấy: trong 3 thành phần N, P, K thì đạm chiếm hàm lượng cao, tiếp đến là kali và lân (P2O5). Riêng nhóm cây đứng có hàm lượng đạm và kali cao hơn hẳn các loại cây nhóm thân bò và thân bụi. Đây là cơ sở giúp cho nhà nông hiểu được đặc điểm sinh thái của các loại cây trên để trồng làm phân bón hữu cơ cải tạo đất và chống xói đất, nhằm sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.