Việt Nam sẽ phát triển năng lượng điện gió

ThienNhien.Net – Mới đây, khung pháp lý hỗ trợ phát triển năng lượng gió tại Việt Nam đã được xây dựng tại hội thảo do bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức GTZ (Đức) tổ chức ngày 19/02, tại Hà Nội. Ông Lê Tuấn Phong, Phó vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương cho biết, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng cao về phát triển năng lượng điện gió, tuy nhiên cơ chế phát triển còn nhiều hạn chế.

Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã được Bộ trình Chính phủ xem xét và phê duyệt với mục tiêu đến năm 2020, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo chiếm khoảng 5% tổng nguồn điện.

Những kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, 8.6% diện tích đất của Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng cao và rất cao cho phát triển loại năng lượng này (với vận tốc gió >7m/s). Tuy nhiên, phát triển điện gió ở Việt Nam mới chỉ đạt được sản lượng 150 – 200MW. Dự báo đến năm 2020, tổng tiềm năng lượng điện từ năng lượng gió khoảng 513.360MW.

Tiềm năng năng lượng gió ở các tỉnh phía Nam là khá lớn, tập trung tại các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh và Sóc Trăng với tổng công suất vào khoảng 800 MW. Riêng 3 địa điểm là Phước Hải, Phước Nam và Phước Hữu thuộc huyện Ninh Phước, Ninh Thuận có thể xây dựng thành các trung tâm phát điện gió với công suất khoảng 235 MW.

Theo ông Lê Tuấn Phong, từ nay đến năm 2015 mới chỉ là giai đoạn khởi đầu các hoạt động nghiên cứu phát triển, phát triển và ứng dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Chúng ta mới bắt đầu đưa ra phương thức hỗ trợ về giá, về hợp đồng chứ chưa có các văn bản pháp lý và các cơ chế hỗ trợ.

Đánh giá cao tiềm năng phát triển của điện gió, nhiều doanh nghiệp vẫn đã và đang tiếp tục triển khai đầu tư các dự án điện gió, đặc biệt là ở các tỉnh giàu tiềm năng như Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên, vẫn thiếu một cơ chế hỗ trợ để bù mức chênh lệch giữa giá điện lưới và giá thành sản xuất điện từ gió.

Năng lượng điện gió là nguồn năng lượng sạch nên đắt đỏ, cần phải huy động mọi nguồn lực và kích thích mọi thành phần tham gia. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng cơ chế hỗ trợ thúc đẩy, các văn bản pháp lý liên quan để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, đầu tư vào lĩnh vực này.

Hiện Bộ Công thương đã có đề xuất và trình Chính phủ đề án xây dựng Quỹ, cơ chế hỗ trợ. “Chiến lược phát triển năng lựợng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050” cũng đã được trình lên Chính phủ và đang chờ phê duyệt.