Săn trộm tê giác gia tăng

ThienNhien.Net – Theo một báo cáo mới đây của Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động vật hoang dã (TRAFFIC) và Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), việc săn bắn trộm tê giác đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là nhu cầu mua sừng tê giác ở châu Á tăng cao, cùng với việc săn trộm ngày càng tinh vi hơn qua sử dụng các loại thuốc, chất độc, nỏ và các vũ khí để giết tê giác.


Theo những số liệu mới đây, từ năm 2006, hầu hết (95%) các vụ săn bắn trộm ở Châu Phi xảy ra ở Zimbabwe và Nam Phi. Ông Tom Milliken thuộc TRAFFIC cho biết: “Hai quốc gia này chính là trung tâm của cuộc khủng hoảng săn bắn trộm ở miền Nam Châu Phi”.

Trong bản báo cáo, nhiều tài liệu cũng cho thấy việc thi hành luật ở châu Phi ngày càng kém hiệu quả trong khi mật độ các vụ săn bắn bất hợp pháp lại ngày càng tăng. Vấn đề này nghiêm trọng nhất ở Zimbabwe, quốc gia có số lượng tê giác đang ngày càng giảm, trong khi tỉ lệ bị kết tội do săn bắn Tê giác chỉ có 3%. Bên cạnh đó, mặc dù đã đưa ra rất nhiều biện pháp mới, nhưng việc săn bắn trộm và mua bán sừng tê giác phi pháp ở Nam Phi vẫn tăng.

Bản báo cáo này đã được trình lên Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài Động Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES) trước khi Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 15 (COP15) diễn ra.

Ông Amanda Nickson, giám đốc chương trình phụ trách loài của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) nói: “Chúng ta cần có những hành động phối hợp ở mức cao nhất để ngăn chặn cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác mang tính toàn cầu này. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia quan tâm phải đưa ra những hành động cụ thể đã thực hiện, để chứng minh cam kết ngăn chặn việc săn bắn và bảo vệ loài tê giác hoang dã trong COP15 sắp tới”.

Bản báo cáo cũng nêu lên những lo ngại liên quan đến số lượng ngày càng giảm cũng như tình trạng bất ổn định của một số loài tê giác Sumatra và Java ở Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

“Những quốc gia có loài tê giác Sumatra và Java cần nâng cao nỗ lực tiếp cận tốt hơn với thực trạng hiện nay của chúng – tăng cường thi hành luật pháp, ngăn chặn việc xâm phạm và chuyển mục đích sử dụng đất trong các khu vực có tê giác sinh sống, cải thiện quản lý sinh học với các loài tê giác hiện có để đảm bảo rằng số lượng các loài tê giác Sumatra và Java còn có thể tăng”. Tiến sĩ Bibhab Kumar Talukdar, giám đốc nhóm chuyên gia về tê giác châu Á của IUCN cho biết.

Hiện nay, hầu hết sừng tê giác sau khi được đưa ra khỏi Nam Phi sẽ được đem bán cho thị trường làm thuốc ở Đông và Đông Nam Á, đặc biệt ở Việt Nam và Trung Quốc. Bản báo cáo nhấn mạnh yêu cầu cần đặc biệt quan tâm tới Việt Nam, bởi gần đây đã xác định được có khá nhiều người dân Việt Nam ở Nam Phi có liên quan tới một số vụ điều tra về săn bắn tê giác. Trong khi đó, ở Viện Nam hiện nay chỉ còn duy nhất một quần thể tê giác Java.

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng cho biết ở một số khu vực, số lượng các loài tê giác đang ngày càng tăng. Song tiến sĩ Richard Emslie, chuyên gia khoa học thuộc nhóm chuyên gia tê giác của IUCN tại châu Phi cũng nhấn mạnh: “Khi nào chính quyền các quốc gia quyết tâm vào cuộc, có chương trình bảo tồn riêng và thi hành luật tốt, thì số lượng tê giác ở cả châu Phi và châu Á mới tăng lên được”.

Trước thực trang gia tăng nạn săn trộm tê giác, CITES đã ủy thác cho các nhóm chuyên gia tê giác của IUCN và TRAFFIC viết bản báo cáo này. Việc thu thập dữ liệu và viết báo cáo đã nhận được sự hỗ trợ từ WWF và các đồng sự.

Nguyên bản báo cáo bằng tiếng Anh