Bảo tồn, phát triển Vườn quốc gia U Minh Thượng

ThienNhien.Net – Với mong muốn tìm ra lời giải phù hợp cho bài toán xây dựng và vận hành mô hình vừa quản lý nước phòng cháy vừa phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học của rừng tràm ở Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia U Minh Thượng" đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức ngày 30/11.


Tại đây, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã trình bày tham luận xoay quanh việc bảo tồn và phát triển bền vững rừng tràm, các biện pháp phòng, chống cháy rừng, ảnh hưởng của chế độ thủy văn đến sinh trưởng rừng tràm và vai trò tham gia của chính quyền, cộng đồng địa phương trong việc quản lý vườn quốc gia.

Vườn quốc gia U Minh Thượng có diện tích hơn 8.000ha, với hệ sinh thái phong phú đa dạng, bao gồm hàng trăm loài động thực vật, trong đó có một số loài đặc hữu được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và Thế giới.

Vụ cháy rừng lớn vào mùa khô năm 2002 thiêu trụi gần 4.000ha rừng tràm nguyên sinh và nhiều loài động thực vật khác cũng bị mất đi. Sau vụ cháy này, rừng lại được tái sinh, kèm theo đó là giải pháp phòng chống cháy rừng được thiết lập khá an toàn, chủ yếu là giữ độ ẩm cho rừng. Song việc giữ độ ẩm không gắn với điều tiết nước nên rừng luôn trong tình trạng ngập sâu (trung bình 1,2m).

Sự thay đổi đột ngột này đã làm cho hàng ngàn ha rừng tràm và các loài sinh vật tái sinh sau vụ cháy phát triển rất chậm, một số loài động, thực vật hoang dã sống trên cạn đã giảm dần. Sự dự trữ nguồn nước ngập sâu thường xuyên đã đi ngược lại quy luật tự nhiên nên ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển hệ sinh thái phong phú đa dạng của rừng U Minh từ xưa đến nay.

Nhận ra điều này, năm 2009 Vườn quốc gia U Minh Thượng đã triển khai công tác điều tiết nước, tuy mới thực hiện bước đầu nhưng cho thấy hiệu quả thiết thực của việc làm này. Đặc biệt, hệ sinh vật sống trên cạn đã có dấu hiệu phục hồi phát triển nhanh hơn.

Hội thảo cũng đã dành một ngày tìm hiểu thực tế tại Vườn quốc gia U Minh Thượng để đề ra những giải pháp sát với thực tế, nhằm bảo tồn và triển bền vững Vườn quốc gia này.