Quy hoạch đầu tư Vườn quốc gia Phú Quốc

ThienNhien.Net – Với mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái rừng quý hiếm ở Vườn quốc gia (VQG) Phú Quốc, Phân viện Điều tra Quy hoạch Rừng Nam bộ – Viện Điều tra Quy hoạch Rừng Bộ NN & PTNT đã đề xuất hai Dự án đầu tư VQG Phú Quốc và Dự án Phát triển Kinh tế – Xã hội vùng đệm VQG Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2009 – 2015.


VQG Phú Quốc được thành lập từ tháng 05/2001, với tổng diện tích 29.135,9 ha. Đây là nơi có hệ động – thực vật rừng đa dạng và phong phú, có chức năng phòng hộ vô cùng quan trọng. Hệ sinh thái rừng nguyên sinh trên đảo Phú Quốc đã được công nhận có vai trò quyết định đối với việc giữ mực nước ngầm ổn định và điều hoà nhiệt độ quanh năm trên đảo.

VQG Phú Quốc có sinh cảnh rừng ngập mặn, sinh cảnh rừng tràm, rừng thưa cây họ dầu, sinh cảnh trảng tranh, sinh cảnh rừng nguyên sinh cây họ dầu… Nơi đây có 28 loài thú rừng, 119 loài chim, 47 loài bò sát và 14 loài lưỡng thê. Những năm gần đây, cùng với làn sóng du khách đến đảo Phú Quốc ngày càng tăng thì nạn săn bắn thú rừng trái phép gia tăng rất đáng lo ngại. Do đó rất cần thiết có những biện pháp bảo vệ động vật hoang dã nghiêm ngặt hơn nữa. Bởi vậy, việc triển khai Dự án Quy hoạch Đầu tư VQG Phú Quốc sẽ đáp ứng được yêu cầu này.

Mặt khác, dự án cũng sẽ giúp duy trì và phát triển độ che phủ rừng để đảm bảo chức năng phòng hộ và phát triển bền vững về kinh tế – xã hội của huyện đảo Phú Quốc. Cụ thể, sẽ xác định những nội dung đầu tư nhằm phục vụ cho công tác quản lý, điều hành phù hợp với chức năng nhiệm vụ của VQG Phú Quốc. Đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của VQG như: xây dựng và nâng cấp hệ thống chốt, trạm bảo vệ rừng; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học…

Tổng kinh phí dự toán cho Dự án Quy hoạch Đầu tư VQG Phú Quốc trên 80 tỷ đồng, nguồn kinh phí do ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách đối ứng của địa phương đảm bảo.


Bản đồ quy hoạch vùng đệm VQG Phú Quốc. (Ảnh: Cổng TTĐT Kiên Giang)

Ngoài ra, Dự án Phát triển Kinh tế – Xã hội vùng đệm VQG Phú Quốc sẽ tạo cơ sở vững chắc để bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Dự án cần được đầu tư thống nhất với các đề án và quy hoạch sử dụng đất của huyện đảo Phú Quốc. Các giải pháp quy hoạch và các chương trình đầu tư phát triển vùng đệm phải cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống nhân dân vùng đệm, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân sinh sống trong vùng đệm.

Vùng đệm VQG Phú Quốc có tổng diện tích 8.808,6 ha thuộc địa bàn hành chính các xã Bãi Thơm, Cửa Cạn, Gành Dầu, Cửa Dương, Dương Tơ, Hàm Ninh và thị trấn Dương Đông, cũng là nơi giàu tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên với chiều dài bờ biển trên 150km, trong đó có nhiều vịnh biển với các bãi cát trắng tuyệt đẹp như bãi dài, bãi sao, vũng bầu… Đúng với tên gọi, mục tiêu của dự án là nhằm cải thiện tổng thể điều kiện sinh sống của nhân dân vùng đệm về giáo dục, văn hoá, cơ sở hạ tầng, y tế, quốc phòng – an ninh.

Theo Dự án phát triển KT-XH vùng đệm VQG Phú Quốc, Ban Quản lý rừng đặc dụng sẽ tổ chức cho cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, sử dụng hợp lý lâm sản và các tài nguyên tự nhiên, các dịch vụ du lịch sinh thái để góp phần nâng cao thu nhập và gắn sinh kế của người dân với các hoạt động của rừng đặc dụng. Chỉ tiêu phát triển kinh tế vùng đệm trong cả giai đoạn 2009 – 2015 là tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 15 – 20% (chỉ tiêu của huyện Phú Quốc là 25 – 26%).

Về quy hoạch phát triển đô thị vùng đệm, đến năm 2010 quy mô dân số dự kiến vào khoảng 3.000 người với diện tích khoảng 60 ha bao gồm khu thương mại, dịch vụ du lịch, khu dân cư mới kết hợp vành đai cây xanh ở ven rạch Cửa Cạn. Vùng đệm cũng sẽ được quy hoạch phát triển các khu dân cư nông thôn. Mục tiêu là cải tạo và bố trí lại các làng chài ven biển theo hướng tập trung, không kéo dài nhằm tạo quỹ đất phát triển du lịch kết hợp với bảo vệ rừng. Xã Hàm Ninh có cụm phía Bắc tại ấp Bãi Bổn và ấp Cây Sao. Xã Cửa Dương tổ chức 2 cụm với các trung tâm là ấp Cây Thông, ấp Tượng. Ngoài ra còn các khu trung tâm xã Bãi Thơm, khu làng chài ấp Rạch Vẹm, Rạch Nhum, Rạch Tràm với diện tích trên 120 ha.

Như vậy, tổng diện tích rừng cần duy trì ở vùng đệm là 1.556,5 ha, chiếm 17,7% diện tích tự nhiên vùng đệm. Để bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên vùng đệm, cần thực hiện giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư địa phương quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế du lịch. Tổng kinh phí dự toán cho Dự án phát triển Kinh tế – Xã hội là trên 21,5 tỷ. Trong đó bao gồm vốn ngân sách tỉnh, vốn đầu tư của các doanh nghiệp và vốn thu hút từ các dự án liên doanh, liên kết với nước ngoài.

Việc xây dựng và thực hiện hai dự án quan trọng này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên đảo Phú Quốc, đồng thời đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững do bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên, trong đó rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ quá trình phát triển của đảo Phú Quốc. Dự kiến, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các Sở, ngành, dự án sẽ được cơ quan xây dựng là Phân viện Điều tra Quy hoạch Rừng Nam bộ điều chỉnh để trình UBND tỉnh phê duyệt, sớm nhất là vào cuối năm nay.