Xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ CNH – HĐH

ThienNhien.Net – Trong những năm vừa qua, cùng với sự đổi mới chung của đất nước, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống của nông dân được cải thiện nhiều, bộ mặt nông thôn đã có những biến đổi sâu sắc. Trong quá trình đó, thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nông thôn, Bộ NN & PTNT đã phối hợp với các địa phương tiến hành xây dựng thí điểm một số mô hình nông thôn mới ở quy mô xã, thôn, ấp, bản. Nhưng do nhận thức chưa thống nhất, chỉ đạo, đầu tư còn phân tán, kết quả đạt được còn hạn chế. Đối chiếu với yêu cầu, mục tiêu xây dựng giai cấp nông dân, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa (CNH- HĐH) theo chủ trương của Đảng, Nhà nước ta thì việc xây dựng nông thôn mới hiện nay còn rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết.


Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các làng, xã, ấp, bản có cuộc sống no đủ, văn minh, môi trường lành mạnh”. Triển khai thực hiện Nghị quyết này, tại Hội nghị lần thứ bảy, BCH TƯ (khoá X) đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, đề ra mục tiêu “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường”.

Để rút kinh nghiệm chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương về xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị đã giao Ban Bí thư chỉ đạo “Xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và thông qua Đề án về chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, giao cho Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai thực hiện.

Đề án đã lựa chọn 11 xã có mức phát triển trung bình khá thuộc 11 tỉnh, thành phố, đại diện cho các vùng khác nhau của đất nước, với mục tiêu là xây dựng 11 xã trở thành các mô hình điểm về nông thôn mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo 5 nội dung lớn thể hiện 5 đặc trưng về nông thôn mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa được Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH TƯ (khoá X) đề ra và được cụ thể hoá thành 19 tiêu chí do Chính phủ ban hành. Qua xây dựng 11 xã điểm, rút ra những kinh nghiệm về mô hình phù hợp với từng vùng, về cơ chế, chính sách và phương pháp chỉ đạo thực hiện trên quy mô toàn quốc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 của BCHTƯ và Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng 11 xã điểm có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất và đời sống; có kinh tế phát triển, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp – dịch vụ, đô thị hoá theo quy hoạch; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh, Đề án đã đề ra những nhiệm vụ lớn phải thực hiện.

Một là, trên cơ sở kế thừa các quy hoạch đã có, với sự hỗ trợ của Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng, các xã điểm phải rà soát, bổ sung, xây dựng, hoàn chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn xã đến năm 2020, bao gồm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ); quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sạch, trường học, nhà văn hoá, trạm y tế, trụ sở xã…; quy hoạch các khu dân cư, khu vực trung tâm xã, chợ; quy hoạch môi trường (cây xanh, hồ ao, nghĩa địa, khu xử lý rác thải; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải…); quy hoạch, bảo tồn, chỉnh trang các di tích văn hoá, lịch sử… để UBND huyện phê duyệt làm cơ sở cho việc thực hiện.

Trên cơ sở quy hoạch sẽ tổ chức việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn theo hướng dẫn tiêu chuẩn của các Bộ, ngành Trung ương, bao gồm hệ thống điện, đường giao thông, thuỷ lợi, cấp nước sạch cho sinh hoạt, chợ, nhà văn hoá thôn, trường học các cấp, trạm y tế, điểm bưu điện xã…

Thứ hai là phát triển sản xuất hàng hoá và các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, có hiệu quả để tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Hướng dẫn nhân dân dồn điền đổi thửa, áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, lựa chọn mô hình, phương án sản xuất có hiệu quả, cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ theo quy hoạch, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sản xuất những sản phẩm hàng hoá có lợi thế, có giá trị, sức cạnh tranh cao. Trên cơ sở nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình, phát triển các trang trại sản xuất hàng hoá, các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

Thứ ba là xây dựng nông thôn có đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc cho sự phát triển bền vững nông thôn. Cùng với xây dựng các thiết chế phục vụ hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi, kết hợp với hội họp, học tập của cộng đồng ở thôn, bản, xã, thì điều quan trọng là phải khai thác, sử dụng có hiệu quả các cơ sở vật chất đó, phát triển các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao cho thanh thiếu niên, hội viên các hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, người cao tuổi ở nông thôn; xây dựng quy ước của làng, bản, thôn, ấp về xây dựng nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội, chống mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội, giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ trật tự, an toàn thôn, xóm, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ gìn và bồi đắp truyền thống đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên quê hương mình.

Thứ tư là bảo vệ và phát triển môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; khắc phục tình trạng ô nhiễm về nguồn nước, không khí ở địa bàn thôn, xã; xây dựng, cải tạo hệ thống tiêu thoát nước thải, thu gom và xử lý rác thải, chuyển các chuồng, trại chăn nuôi, nhất là các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi các khu dân cư, xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, hầm bi-ô-ga của mỗi hộ gia đình, quy hoạch xây dựng và quản lý nghĩa trang…

Thứ năm là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, chi bộ thực sự là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở; hiệu lực hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội ở xã, thôn, ấp, bản; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ và phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

Cùng với việc chỉ đạo xây dựng thành công 11 xã điểm thành những mô hình thực tế về nông thôn mới, thì điều quan trọng hơn là phải từ đó rút ra được những kinh nghiệm về mô hình phù hợp với từng vùng; về cơ chế, chính sách và phương pháp chỉ đạo để triển khai nhân rộng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước. Chúng ta đã từng có kinh nghiệm thực tế về việc tập trung đầu tư xây dựng một vài điển hình tiên tiến nhưng sau đó không thể nhân rộng được vì chính sách không phù hợp, Nhà nước không đủ nguồn lực để đầu tư. Vì vậy, chúng ta sẽ không thành công nếu xem việc xây dựng mô hình nông thôn mới ở 11 xã điểm chỉ là những dự án đầu tư, tập trung ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng cho được các mô hình điểm mà sau đó sẽ không thể nhân rộng trên phạm vi toàn quốc vì không có cách làm phù hợp và ngân sách nhà nước không có khả năng đáp ứng.

Để thành công, việc xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới phải là một phong trào quần chúng rộng lớn, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, có sự tham gia chủ động, tích cực, tự giác của mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư, của cả hệ thống chính trị ở cơ sở; phát huy cao nhất nội lực, có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và chính quyền các cấp. Vì vậy, chủ trương, nội dung, phương pháp xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới phải được phổ biến, tuyên truyền, thảo luận sâu rộng trong chi bộ, đảng bộ, hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, trong Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cộng đồng dân cư xóm, thôn, ấp, bản. Quá trình xây dựng, mỗi nội dung của Đề án xây dựng nông thôn mới của xã điểm phải được nhân dân trong thôn, xã dân chủ bàn bạc, thảo luận, lựa chọn. Trên cơ sở các tiêu chí nông thôn mới của Chính phủ, sau khi đưa ra nhân dân dân chủ thảo luận, các xã có thể bổ sung, cụ thể hoá các tiêu chí cho phù hợp với điều kiện địa phương mình. Nhân dân thảo luận, xác định nội dung các quy hoạch; lựa chọn và xác định thứ tự ưu tiên các công trình kết cấu hạ tầng cần xây dựng, các phương án sản xuất để nâng cao thu nhập, đời sống… Nhân dân giám sát việc thực hiện, giám sát việc sử dụng kinh phí, chất lượng xây dựng, quản lý và sử dụng các công trình.

Đồng thời, với vai trò làm chủ, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cụm dân cư, thôn, xóm, ấp, bản phải tích cực, chủ động tham gia chương trình, thực hiện các công việc trong phạm vi trách nhiệm của mình, như làm sạch, đẹp nhà cửa, cải tạo vườn tạp; xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh, hầm bi-ô-ga, chỉnh trang, làm sạch, đẹp đường làng, ngõ xóm, các khu dân cư; dồn điền đổi thửa, phát triển sản xuất, tham gia xây dựng các tổ hợp tác, các hợp tác xã để hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia tích cực vào Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, xây dựng gia đình văn hoá, thôn, ấp, bản văn hoá, tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh ở nông thôn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; giữ gìn trật tự an ninh nông thôn; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh… Do đó, trên cơ sở đề án xây dựng nông thôn mới của xã, mỗi thôn, bản, ấp, mỗi hộ gia đình cần xây dựng kế hoạch, đăng ký những nội dung tham gia, thực hiện của mình; tạo nên sức mạnh tổng hợp, thành phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới sôi nổi, liên tục, rộng khắp trong cộng đồng.

Cần huy động đa dạng các nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, hiện nay ở nông thôn đang thực hiện nhiều chương trình mục tiêu của Chính phủ, như chương trình xây dựng giao thông nông thôn, thuỷ lợi, kiên cố hoá kênh mương, chương trình nước sạch, xây dựng hệ thống y tế cơ sở, kiên cố hoá trường lớp học… Chính quyền các địa phương cần tập trung thực hiện trước các chương trình này tại các xã điểm; đồng thời thu hút, huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào thực hiện chương trình, các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn, các dự án đầu tư khác có khả năng thu hồi vốn như: cung cấp điện, nước sạch, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường…

Tăng cường sự hỗ trợ từ các nguồn vốn tín dụng cho các hộ gia đình, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc huy động sự đóng góp của nhân dân vào xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cũng cần đa dạng: bằng sức lao động, vật tư, vật liệu xây dựng, hiến đất cho xây dựng các công trình, dự án và bằng tiền. Việc huy động sức dân nói chung, nhất là huy động đóng góp bằng tiền nói riêng, cần phải được cộng đồng dân cư dân chủ thảo luận, quyết định, phù hợp với khả năng, điều kiện của từng địa phương. Ngoài ra, tuỳ điều kiện của từng địa phương, có thể động viên từ nhiều nguồn vốn xã hội khác.

Việc quản lý sử dụng các nguồn vốn cho đề án xây dựng nông thôn mới ở các xã điểm phải được thực hiện theo hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng như Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ NN& PTNT. Trong xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, các cơ quan nhà nước chỉ hỗ trợ việc xây dựng quy hoạch, thiết kế, giám sát kỹ thuật, xây dựng các công trình lớn kỹ thuật phức tạp, còn chủ yếu giao cho ban quản lý xã trực tiếp là chủ đầu tư, nhân dân trong xã là người thi công xây dựng để người dân có việc làm, có thu nhập, có trách nhiệm trong quản lý, sử dụng sau này. Vì vậy, phải xây dựng chương trình hành động, phân công cán bộ phụ trách công việc cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ cơ sở xã, thôn, bản. Đồng thời, phải có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động tại xã phải là một trong những nội dung cần phải được hết sức quan tâm để thực hiện và quản lý tốt dự án.

Hiện nay, Đề án xây dựng nông thôn mới ở 11 xã điểm, sau khi được Ban Chỉ đạo Trung ương thẩm định, góp ý, đã được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các tỉnh, thành phố phê duyệt và đang được tích cực triển khai thực hiện. Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới là một nội dung quan trọng để thực hiện Nghị quyết Trung ương về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, được thực hiện theo Quyết định của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo của Ban Bí thư, vì vậy, các tỉnh uỷ, thành uỷ, huyện uỷ có xã được chọn làm điểm của Trung ương cũng như các điểm của địa phương cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; các bộ, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể ở Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thực hiện thắng lợi, rút ra những kinh nghiệm thiết thực, phục vụ việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong phạm vi cả nước.