Dự thảo Luật ATTP: Lưu tâm với thức ăn đường phố

ThienNhien.Net – Trong phiên làm việc sáng 10/11 của Quốc hội, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế – Nguyễn Quốc Triệu đã trình bày Tờ trình về Dự thảo Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, Dự thảo Luật An toàn thực phẩm quy định một nội dung hoàn toàn mới là điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, loại hình đặc thù cần được quản lý bằng những điều kiện, biện pháp riêng. Cũng trong buổi làm việc này, các đại biểu đã nghe báo cáo thẩm tra về dự án luật này của Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội.


Những năm gần đây, ATTP là một trong những vấn đề mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm, có ý nghĩa lớn về kinh tế – xã hội, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam. Do đó, việc ban hành Luật An toàn thực phẩm là cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng sức cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá nông sản thực phẩm.

Dự thảo Luật An toàn thực phẩm (ATTP) gồm 11 chương, 62 điều. So với Pháp lệnh năm 2003, dự thảo Luật quy định rộng hơn, bao quát hơn và cụ thể hơn các hoạt động trong lĩnh vực ATTP.

Bên cạnh các quy định về điều kiện đảm bảo ATTP đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn về thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm… Dự thảo cũng quy định một nội dung hoàn toàn mới là điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố. “Đây là một loại hình đặc thù cần được quản lý bằng những điều kiện, biện pháp riêng” – Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh.

Đây là dự thảo được xây dựng trên cơ sở tổng kết 6 năm thực hiện Pháp lệnh vệ sinh ATTP và kết quả giám sát tối cao của Quốc hội Khóa XII tại kỳ họp thứ 5 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2004 – 2008.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, do ông Đặng Vũ Minh trình bày đã nêu rõ, qua 6 năm thực hiện, Pháp lệnh bộc lộ rõ một số hạn chế. Không những thế, cùng một lĩnh vực nhưng đã có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh của các ngành, các cấp tạo nên sự chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lắp. Hơn nữa, việc phân công trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành; nhất là giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chưa rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai và phối hợp thực hiện, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Do đó, cần sớm ban hành Luật An toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, cần bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định cho phù hợp với luật pháp hiện hành, nhất là việc ban hành quy chuẩn về ATTP; quản lý Nhà nước về vệ sinh ATTP; quản lý những thông tin quảng cáo liên quan đến thực phẩm; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi cung cấp thực thẩm; về giải quyết khiếu nại, tranh chấp và bồi thường thiệt hại ATTP để bảo đảm tính khả thi của Luật. Đồng thời, phân rõ trách nhiệm giữa các Bộ, ngành, cơ quan và các cấp địa phương…

Về quản lý thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật cần có quy định theo nguyên tắc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương và giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp trong việc ban hành quy định quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.

Trong dự thảo Luật cần có mục hoặc điều quy định quản lý ATTP đối với bếp ăn tập thể, trong đó quy định về cách thức chế biến, lưu mẫu, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, bếp trưởng trong việc thực hiện quy định bảo đảm ATTP.

Luật An toàn thực phẩm cũng nên điều chỉnh cả nguồn thực phẩm mà con người sản xuất ra và nguồn sản phẩm khai thác ngoài tự nhiên. Cần làm rõ về nội dung kiểm tra ATTP, tổ chức kiểm tra để tránh trùng lặp, chồng chéo…

Dự kiến, chiều 26/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Dự án Luật này.