Trung Quốc còn thờ ơ với nạn BBĐVHD

ThienNhien.Net – Một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường của Ấn Độ cho biết, hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép vẫn tiếp diễn tại Trung Quốc và hiện nay các bộ phận của động vật hoang dã đang được bày bán công khai với mức giá cao hơn trước rất nhiều.


Một ngày sau khi Ấn Độ và Trung Quốc kí Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, bao gồm cả công tác quản lí rừng, cuộc điều tra của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) cho biết đã phát hiện da và những bộ phận khác của loài hổ, báo hoang dã Ấn Độ được bày bán công khai tại Trung Quốc với mức giá cao hơn trước kia rất nhiều.

Theo cuộc điều tra này, mức giá bán các bộ phận của hổ báo trên thị trường Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với năm 2005, cụ thể là giá một bộ da hổ ở mức từ 11.660 đến 21.860 USD, trong khi da báo là 1.020 đến 2770 USD.

Cuộc điều tra được thực hiện trong 21 ngày tại nhiều nơi trên lãnh thổ miền tây Trung Quốc và khu tự trị Tây Tạng, phát hiện 9 bộ da hổ, 12 bộ da báo và gần 50 sản phẩm từ báo được bày bán trong các cửa hàng. Ở Tây Tạng, 9 người được phát hiện mặc đồ da hổ và 25 người khác mặc đồ da báo.

Các sản phẩm được bày bán chủ yếu là những tấm da còn nguyên vẹn, áo choàng được trang trí bằng các chất liệu từ xương, sọ và răng hổ báo, cùng các tấm áo choàng Tây Tạng bằng da hổ báo.

Theo những người bán hàng, tất cả những bộ da đều được thu mua từ Ấn Độ trong những năm trở lại đây.

Báo cáo của EIA phân tích, giá cả những mặt hàng này lên cao là do lượng cầu tăng. Trong khi đó, Bộ Môi trường và Rừng Ấn Độ lo ngại rằng nhu cầu đối với các sản phẩm từ hổ báo sẽ tiếp tục tăng khi Trung Quốc bước vào năm con hổ (Canh Dần 2010).

Chính vì điều này, một phái đoàn của Cơ quan Bảo Tồn Hổ Quốc Gia Ấn Độ đã lên kế hoạch sang thăm Trung Quốc nhằm bàn thảo về chiến lược ngăn chặn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép. Đây là bước tiếp nối chuyến thăm Trung Quốc đầu năm nay của bộ trưởng Bộ Môi trường và Rừng Ấn Độ Jairam Ramesh.

Tuy nhiên, những dấu hiệu từ phía Trung Quốc được cho là không mấy tích cực. Theo ông Ramesh, nước này sẽ chỉ hành động chống hoạt động săn bắn hổ trái phép khi Ấn Độ xem xét lại hoạt động săn bắt loài linh dương Chiru ở vùng Ladakh, Ấn Độ.

Mặc dù đã có lệnh cấm buôn bán hổ báo, nhưng thị trường chợ đen ở Trung Quốc vẫn hoạt động khá quy mô và ngày càng phát triển.

Theo Debbie Banks thuộc EIA, nếu một tổ chức phi chính phủ với nguồn lực hạn chế có thể tìm ra nhiều sản phẩm phi pháp đến vậy, thì việc này cũng chẳng có gì khăn đối với nhà chức trách Trung Quốc. Điều này chứng tỏ chính phủ Trung Quốc chưa quyết tâm trong việc thực thi lệnh cấm nói trên.