Xây dựng tháp mộ trong vùng lõi VQG Tam Đảo

ThienNhien.Net – Ngày 1/11/2009 vừa qua (tức ngày 15/9 âm lịch), Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì Quan âm Thiền tự (xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo) đã tổ chức lễ khánh thành 2 trong số 7 ngôi tháp tổ tại khu vực được cho là di chỉ chùa Đồng Cổ (chùa Địa Ngục). Địa điểm xây dựng này nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Tam Đảo.

Địa điểm xây dựng các tháp cổ thuộc khu vực Rừng ma Ao dứa, nằm hoàn toàn trong  phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Tam Đảo. Theo các quy định hiện hành, khu vực này cấm mọi hoạt động làm thay đổi cảnh quan tự nhiên.

Cho rằng khu vực này có 7 ngôi mộ của các vị sư tổ, ngày 19/2/2009, Đại đức Thích Thanh Toàn lập tờ trình gửi UBND huyện Tam Đảo, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xin phép xây dựng, khôi phục 7 ngôi mộ cổ (tháp tổ) trong vùng lõi VQG Tam Đảo. 

Đến ngày 23/2, UBND huyện Tam Đảo  ra văn bản số 69/UBND-NV đồng thuận với chủ trương xây dựng, khôi phục 7 ngôi mộ cổ theo tờ trình của Đại đức Thích Thanh Toàn. Cùng ngày, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Văn bản số 472/UBND-NC2 về việc đồng ý cho khôi phục 7 ngôi mộ cổ tại chùa Địa Ngục, khu thắng cảnh Tây Thiên. Sau đó, văn bản này được thay thế bằng văn bản số 619/UBND-NC2 ngày 4/3/2009, trong đó ghi rõ thêm: “đồng ý về nguyên tắc xây dựng lại 7 ngôi mộ cổ, quy mô không lớn, không chặt cây làm ảnh hưởng đến VQG Tam Đảo”.

Chua Dia Nguc
Minh họa Vạn Phật Bảo Tháp dự định sẽ được xây tại khu vực được cho là di chỉ chùa Địa Ngục.


Phía VQG Tam Đảo đã có nhiều văn bản, báo cáo gửi các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cũng như Cục Kiểm lâm về vụ việc này. Nội dung của các văn bản này đều không đồng tình với việc xây dựng trong khu vực vùng lõi VQG do không phù hợp với pháp luật hiện hành và thẩm quyền phê duyệt cấp phép.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Về phía Ban đại diện Phật giáo huyện Tam Đảo cũng đã có văn bản gửi Đại đức Thích Thanh Toàn yêu cầu dừng việc thi công xây dựng tháp tổ vì chưa đủ căn cứ đầy đủ để xác định phần mộ tổ và vấn đề chấp hành các quy định của Nhà nước.

Văn bản của Ban đại diện Phật giáo huyện Tam Đảo nêu rõ “nếu có thực là mộ Tổ thì phải được ngành quản lý chức năng thừa nhận bằng văn bản có căn cứ khoa học, trung thực và khách quan”. Được biết, cho đến nay vẫn chưa có đánh giá chính thức của các nhà nghiên cứu lịch sử về những di tích nằm trong quần thể Tây Thiên. Theo kết quả khảo cổ ban đầu, một số khu mộ các thiền sư với các bia mộ đã bị dịch chuyển không còn ở vị trí trước đây.

Ngày 17/8/2009, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản yêu cầu: “trước mắt tạm dừng việc xây dựng 7 ngôi mộ cổ quanh chùa Địa ngục nơi thắng cảnh Tây Thiên, hướng dẫn đại đức Thích Thanh Toàn hoàn thiện hồ sơ thủ tục xây dựng lại 7 ngôi mộ cổ theo đúng quy định Pháp luật… Yêu cầu xây dựng đúng trên vị trí cũ, không chặt cây làm ảnh hưởng đên VQG Tam Đảo”.

Hiện nay, phía xây dựng tháp đã mở hai con đường vào khu vực được cho là di chỉ chùa Địa Ngục, với tổng cộng chiều dài khoảng 19 km, rộng từ 1-2m. Theo thông tin ban đầu, khu vực xây dựng tháp cổ này cũng là nơi dự định phát triển Dự án Tam Đảo II gây nhiều tranh cãi trong thời gian trước đây.

Tam Dao
Lán trại lập dọc con đường mới mở. Đoạn đường từ phía thị trấn Tam Đảo vào khu vực xây dựng dài khoảng 12 km, hiện tại chỉ có thể đi bộ.

Tam Dao
Một gốc cây bị chặt hạ dọc tuyến đường mới mở vào khu vực xây dựng.


Duong san dao Tam Dao
Nhiều đoạn đường được ghép tạm bằng thân cây để phục vụ ngày khánh thành.

VQG Tam Đảo có diện tích 34.995 hecta, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt gồm 16.442 hecta, nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Thái Nguyên. VQG trực thuộc quản lý của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Tam Đảo có mức độ đa dạng cao về các loài cây thân gỗ, bò sát ếch nhái, lưỡng cư, là một trong những nơi có khu hệ côn trùng đa dạng nhất Việt Nam. VQG này cũng được xem là một trong số các vùng có tầm quan trọng quốc tế trong bảo tồn các loài chim.