Tín hiệu mừng về chim Gurney Đuôi Cụt

ThienNhien.Net – Một bài báo gần đây đăng trên Tạp chí của Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế (BirdLife) đã đưa ra những bằng chứng cho thấy số lượng loài chim Gruney Đuôi Cụt (<i>Pitta Gurneyi</i>) tồn tại trong tự nhiên nhiều hơn những gì mà khoa học biết đến. Chúng từng bị coi là đã biến mất khỏi tự nhiên.


Đây là loài chim đặc hữu của Bán đảo Thái Lan và Miến Điện. Chim Gruney Đuôi Cụt đã từng được coi là tuyệt chủng trước khi một quần thể nhỏ của loài này được phát hiện lại tại Thái Lan vào năm 1986. Tổ chức BirdLife, đại diện cho Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN), đã xếp loài này vào nhóm cực kỳ nguy cấp. Năm 2008, một quần thể chim Gruney Đuôi Cụt được tìm thấy ở Miến Điện đã thay đổi hạng xếp loại và đưa loài chim này xuống nhóm Nguy Cấp.

Nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi Tiến sỹ Paul Donald của Tổ chức RSPB (đối tác của BirdLife tại Anh Quốc) đã củng cố nhận định rằng chủ yếu loài chim này sinh sống tại Miến Điện. Cũng theo nghiên cứu của ông thì những con số ước tính trước đây về số lượng loài chim này là quá thấp. Trên thực tế, số lượng loài chim này vào khoảng 9.300 tới 35.000 cặp (chúng sống thành từng đôi gồm chim đực và chim cái).

Tuy nhiên, có khả năng rất cao là số lượng loài chim này ở Miến Điện dao động khoảng 20.000 cặp. Khác với những phỏng đoán trước đó về loài chim này, nghiên cứu đã chỉ ra rằng loài này sống xa hơn về phía Bắc và ở độ cao cao hơn.

Nghiên cứu này đã nhận được tài trợ từ Quỹ Sáng Kiến Darwin của chính phủ Anh, với sự tham gia của Ủy Ban Rừng, Hiệp hội Đa dạng sinh học và Bảo tồn thiên nhiên – một tổ chức phi chính phủ Miến Điện và chương trình Đông Dương của BirdLife.

Tiến sĩ Donald cho biết: “Dự án này là một ví dụ của việc nghiên cứu bảo tồn trọng tâm có thể mang lại những kết quả tốt trong việc bảo vệ loài đang bị lâm nguy. Với kiến thức loài tốt hơn, cả về sự phân bổ và sinh cảnh sống của loài sẽ mang lại những cơ hội bảo tồn có hiệu quả trong tương lai. Đương nhiên, chúng ta cũng phải nhớ rằng mặc dù chim Gurney Đuôi Cụt ở Miến Điện nhiều hơn số lượng mà chúng ta vẫn từng biết tới nhưng không có gì đảm bảo và chúng đang bị giảm đi đáng kể do diện tích rừng dần bị mất đi.”

Một nỗ lực bảo tồn gần đây cũng thuộc dự án này đã ổn định được khoảng 15-20 đôi chim Gruney Đuôi Cụt còn lại ở miền Nam Thái Lan. Nỗ lực này là của Hội Bảo vệ chim Thái Lan, Ủy Ban Bảo tồn Rừng quốc gia và động thực vật hoang dã cùng với Trường Đại học Chiang Mai. Tuy nhiên, ở Thái Lan việc chim làm tổ không mấy thành công vì thường bị rắn tấn công.

Trong khi số lượng loài chim này ở Thái tuy nhỏ nhưng lại tập trung ở khu vực được bảo vệ là Vườn Khao Pra Bang Kram, quần thể loài chim này ở Miến Điện lại hoàn toàn không được bảo vệ. Hy vọng săp tới khi Vườn quốc gia Lenya được thành lập thì tình hình sẽ được cải thiện.

Ông Jonathan C. Eames, trưởng đại diện Tổ chức BirdLife ở Đông Dương, nhận xét: “Những khu rừng ở vùng đất thấp ở Đông Nam Á thường xuyên bị chặt phá để làm đồn điền trồng cọ dầu. Đây là mối nguy chính đối với chim Gurney Đuôi Cụt ở Miến Điện. Mặc dù hiện tại, số lượng các cánh rừng bị phá và số đồn điền mọc lên đang giảm, nhưng có lẽ đây chỉ là sự giảm tạm thời, do suy thoái kinh tế” .

Có một điều rất thú vị là sinh cảnh sống của loài chim này ở Miến Điện khác với Thái Lan. Điều này cũng có nghĩa là loài chim này có thể sống ở nhiều độ cao, độ dốc và những kiểu rừng khác nhau. Đây là một phát hiện mới của khoa học và cũng mở ra nhiều địa điểm mới để khảo sát loài chim này. Thêm nữa, một giả thiết rằng chim Gurney Đuôi Cụt cũng có thể sinh sống, thậm chí còn phát triển tốt tùy vào tình trạng rừng bị xâm hại (tất nhiên trừ khi rừng bị phá hại hoàn toàn thành đồn điền trồng cọ dầu). Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học cũng hy vọng rằng sẽ tìm thấy loài chim này ở nhiều địa điểm mới ở cả Thái Lan và Miến Điện trong những cuộc khảo cứu trong năm tới.