Vì sự phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông

ThienNhien.Net – Mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi trong những tháng gần đây, kinh tế thế giới vẫn chưa vượt qua cơn khủng hoảng. Tất cả các chỉ số về thương mại, việc làm và sản xuất đều cho thấy sự suy giảm của nền kinh tế và tốc độ phát triển năm 2009 vẫn thấp hơn so với những năm gần đây. Đối với hơn 60 triệu người sống ở lưu vực Sông Mê Kông, đây là một tin xấu, song có thể nó không đến nỗi tồi tệ như dự liệu ban đầu. Bởi lẽ, đó chưa hẳn là mối bận tâm nhất của những người nghèo nơi đây, họ còn phải đối mặt với bao mối lo toan khác.


Sống dựa vào tài nguyên

Giá cả hàng hoá tiếp tục sụt giảm, dẫn tới sự trầm lắng trong hoạt động nhượng quyền khai thác mỏ ở khu vực và giảm lợi nhuận ngoại tệ thu về. Trong bối cảnh đó, rất nhiều người dân thuộc lưu vực Mê Kông đã trở lại nông thôn tìm kế sinh nhai.

Đối với nhiều người nghèo sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên dồi dào trên sông Mê Kông, nguồn thức ăn và sinh kế từ nghề cá và các nguồn tài nguyên khác không hề bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm kinh tế. Lưu vực sông Mê Kông, khu vực đánh bắt cá lớn nhất thế giới, mỗi năm thu về khoảng 2,5 triệu tấn cá, doanh thu hàng năm trị giá ít nhất 2 tỉ USD.

Các cộng đồng trên lưu vực này sống phụ thuộc vào tài nguyên trên dòng Mê Kông và vì thế họ thường đứng ngoài dòng chảy kinh tế. Họ miễn nhiễm với sự dao động kinh tế toàn cầu bởi họ phụ thuộc vào thiên nhiên để tồn tại chứ không phải vào nền kinh tế.

Họ sống dựa vào tài nguyên từ các con sông, đặc biệt là sự đa dạng sinh học và hào phóng của vùng đất ngập nước, đầm lầy, ao, hồ và các đồng bằng cửa sông do nước lũ tạo thành. Điều này cũng chứng tỏ tại sao hệ thống sông lại quan trọng đến thế đối với việc giảm nghèo.

Cân bằng và chia sẻ lợi ích

Các quốc gia ở lưu vực sông Mê Kông có thể thu được nhiều lợi ích kinh tế từ con sông. Ngoài ngư nghiệp, thủy điện là một nguồn năng lượng tái tạo có khả năng tạo doanh thu lớn, phục vụ cho các chương trình phát triển xã hội.

Ngành nông nghiệp ở khu vực sông Mê Kông cũng mang lại hàng tỉ USD. Hơn nữa, sông Mê Kông và các nhánh sông của nó là nơi kết nối giao thông và thương mại quan trọng trong khu vực.

Tuy nhiên, khu vực này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức do sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy, nếu sinh kế của người dân lưu vực tiếp tục phụ thuộc vào nguồn tài nguyên nước thì chiến lược phát triển tương lai cần phải được hoạch địch một cách nghiêm cẩn. Những người nghèo ở nông thôn phải được hưởng lợi lâu dài từ sự tăng trưởng kinh tế dựa trên các chính sách phát triển tài nguyên nước có tầm nhìn chiến lược. Để đạt được điều này, phát huy các cơ chế chia sẻ lợi ích là điều thiết yếu.

Điều mà khu vực này hiện đang cần là một phương pháp tiếp cận phân tích hợp nhất nhằm đánh giá các lợi ích, phí tổn và tác động của hoạt động phát triển trên hệ thống sông. Ví dụ, lợi ích kinh tế và xã hội mà dự án thủy điện mang lại so với tác động gây giảm sút nguồn lợi ngư nghiệp? Cách thức để dung hòa giữa lợi ích và thiệt hại của các hoạt động phát triển? Tác động của sự xâm mặn và các tác động khác tới nông nghiệp ở hạ lưu khi nước được sử dụng để tưới tiêu ở thượng nguồn?

Hợp tác để giải quyết thách thức

Là một hệ thống sông có chung ranh giới, tất cả các vấn đề trên đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và cần được giải quyết dựa trên sự hợp tác của toàn khu vực. Hiệp ước Sông Mê Kông năm 1995 giữa bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam về việc thành lập Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) là một trong những nỗ lực hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề trên.

MRC là một cơ quan liên chính phủ chịu trách nhiệm thúc đẩy hợp tác để quản lý bền vững lưu vực sông Mê Kông. MRC xem xét tất cả các lĩnh vực: từ duy trì và phát triển ngư nghiệp, tìm kiếm cơ hội phát triển nông nghiệp, thiết lập tự do hàng hải, đến đánh giá tính bền vững của phát triển thủy điện, quản lý lũ lụt và giữ gìn hệ sinh thái.

Ngoài ra, MRC còn quan tâm đến những tác động tương lai của các hiện tượng thời tiết cực đoan với tần suất và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng.

MRC làm việc với các chính phủ thành viên và các đối tác ở thượng nguồn như Trung Quốc và Miến Điện để đảm bảo tất cả các yếu tố nêu trên sẽ được cân nhắc khi hoạch định các dự án phát triển dựa trên tài nguyên nước trong khu vực. MRC sẽ đóng vai trò điều phối để đảm bảo rằng quản lý nguồn tài nguyên nước sẽ góp phần xóa nghèo.

Các bên liên quan sẽ cung cấp một kênh đối thoại về các nhu cầu và quyền lợi của các quốc gia thành viên và người dân trong những quyết định ảnh hưởng đến họ.

Để hợp tác hiệu quả, những cam kết trong quá trình lên kế hoạch và đưa ra quyết định, trong việc xây dựng mục tiêu và phương hướng phát triển là điều hết sức cần thiết. Mức độ cam kết phụ thuộc vào tính minh bạch và việc tạo dựng lòng tin.

Đó chính là lý do của cuộc hội thảo diễn ra đầu tháng 10 vừa qua của những đại diện cộng đồng, các nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính tại Chiang Rai, Thái Lan. Cuộc thảo luận bàn về các kịch bản phát triển khác nhau dựa trên tài nguyên nước ở Lưu vực Sông Mê Kông.

Cuộc hội thảo được tổ chức dựa trên những nỗ lực tham khảo ý kiến từ cộng đồng. Các câu hỏi được đưa ra thảo luận là: Làm thế nào để cân bằng phát triển thủy điện, ngư nghiệp, tưới tiêu, hàng hải và quản lý lũ lụt ở hạ lưu sông Mê Kông? Nhu cầu của các bên liên quan là gì và phương thức để cùng triển khai một Chiến lược Phát triển Lưu vực hợp lý? Cách thức tạo điều kiện cho nhóm người nghèo và những nhóm người bị thiệt thòi tham gia vào quá trình ra quyết định? Tác động của biến đổi khí hậu đến kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn cho khu vực?

Không tránh khỏi những ý kiến trái chiều, song chắc chắn những đóng góp từ hội thảo sẽ giúp các bên đưa ra chiến lược phát triển đồng nhất, bền vững cho lưu vực sông Mê Kông.