Dự án quản lý rừng có giá trị bảo tồn cao

ThienNhien.Net – Theo công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cuối năm 2008, Việt Nam có hơn 13 triệu héc ta rừng, bao gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Ngoài hệ thống rừng đặc dụng, nhiều khu rừng có giá trị bảo tồn cao đang phân bố rải rác ở nhiều nơi nhưng chưa được khai thác và quản lý một cách có hiệu quả. Do vậy các giá trị đa dạng sinh học của rừng đang tiếp tục phải chịu nhiều đe dọa như việc săn bắn, khai thác bừa bãi các loài thú hoang dã và các loài cây quý hiếm. Xuất phát từ đó, Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) đã lập đề xuất xây dựng mô hình quản lý những khu rừng có giá trị bảo tồn cao, nằm ngoài hệ thống rừng đặc dụng, theo hướng sử dụng đa mục đích .


Đề xuất trên đã được Chương trình Hỗ trợ Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ, cùng với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF SGP), để thực hiện tại Hòa Bình, nhằm góp phần làm hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

Theo đó, đầu tháng 10 vừa qua, tại Chi cục Lâm nghiệp Hoà Bình, CISDOMA đã tổ chức Hội thảo “Khởi động thí điểm và trình diễn Mô hình Quản lý rừng có giá trị bảo tồn cao ở những khu rừng nằm ngoài hệ thống rừng đặc dụng theo hướng sử dụng rừng đa mục đích”. Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trần Thị Minh Châu – Giám đốc CISDOMA nêu rõ mong muốn rằng thông qua việc xây dựng thí điểm mô hình này, CISDOMA – một Tổ chức phi chính phủ mong muốn góp thêm tiếng nói để các nhà hoạch định chính sách và các nhà lập kế hoạch chiến lược lâm nghiệp tham khảo và quan tâm đến cách tiếp cận trong quản lý rừng theo hướng sử dụng rừng đa mục đích.

Đại biểu Chi cục Lâm nghiệp và các cơ quan lâm nghiệp tỉnh Hoà Bình đã hoan nghênh CISDOMA triển khai dự án này tại địa phương và kỳ vọng dự án sẽ thành công, góp phần vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, mang lại lợi ích cho cộng đồng nghèo sống phụ thuộc vào rừng.