Biến chất thải thành… tài nguyên

ThienNhien.Net – Nhằm làm giảm ô nhiễm môi trường và xử lý hiệu quả các vấn đề về chất thải đô thị, đặc biệt là lượng nước thải từ các làng nghề và khu công nghiệp, ngày 14/10/2009, Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (IESE) phối hợp với Tổ chức Bồi dưỡng & Nâng cao Năng lực Quốc tế InWent (Cộng hòa Liên bang Đức) và Trường Đại học Darmstadt tổ chức hội thảo về quản lý tổng hợp chất thải đô thị hiệu quả và bền vững theo mô hình bán tập trung.


Theo các chuyên gia Đức, để giải quyết vấn đề ô nhiễm ở Hà Nội, bước đầu cần phải áp dụng hệ thống bán tập trung xử lý tổng hợp chất thải, kết hợp xử lý bùn bể phốt tại các khu cũ, sau đó phát triển xử lý kết hợp nước thải, bùn thải từ các khu mới cùng với rác hữu cơ từ chợ, nhà hàng…

Với phương pháp này, lượng bùn cặn và rác thải sẽ được tái chế làm phân bón cho nông nghiệp, đồng thời tạo ra lượng khí sinh học lớn, có thể sử dụng làm nguồn năng lượng cung cấp cho hệ thống điện thành phố. Chỉ cần áp dụng cho 24 triệu dân các đô thị Việt Nam thì sẽ tiết kiệm được 6 – 14% lượng phân bón và phát ra khoảng 3,4 triệu MWh điện mỗi năm.

Quan trọng hơn, phương pháp này còn là bước đầu cho quá trình phát triển một mô hình xử lý cấp nước, nước thải và rác thải đô thị có khả năng tương thích cao với các địa phương.

PGS – TS Nguyễn Việt Anh, Phó trưởng Bộ môn Cấp Thoát nước, Đại học Xây dựng Hà Nội, cho biết, với công nghệ linh hoạt, mô hình bán tập trung có ưu điểm là rút ngắn và thu nhỏ đường ống, các hệ thống thu gom rác thải; tiết kiệm chi phí, diện tích và tận dụng được nguồn nước xám, năng lượng cũng như phân bón. Nguồn nước sau khi xử lý sẽ được dẫn theo hai ống chính, một ống nước đen được xử lý hoàn toàn chất độc hại, thải trực tiếp ra môi trường và một ống nước xám được dẫn về hộ gia đình dùng làm nước xả toilet hoặc nước rửa xe cộ…

Hệ thống này đang được nghiên cứu thí điểm tại Hà Nội và sẽ đưa vào ứng dụng năm 2010 tại các đô thị khác.

Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh tế Việt Nam, hiện nay, đã có 6 đô thị ở Bắc Ninh, Vinh, Hải Dương, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng được phía Đức hỗ trợ hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình quản lý nước thải và chất thải rắn, trong đó về lâu dài, sẽ tập trung giải quyết vấn đề nước thải công nghiệp ở Cần Thơ. 

Nếu được đầu tư tốt, rác thải – vốn là một mối lo lớn của xã hội – sẽ biến thành tài nguyên.