Con đường thiếu bền vững

ThienNhien.Net – Một công trình nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Bảo tồn Động vật cho thấy con đường được xây dựng để phục vụ khai thác dầu trong Vườn quốc gia Yasuni của Ecuardo – một khu bảo tồn nổi tiếng về đa dạng sinh học với rất nhiều loài thú lớn – đã trở thành con đường vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Từ nghiên cứu này, các tác giả đã khuyến cáo cần áp dụng một hệ thống quản lý chặt chẽ đối với hoạt động khai thác tại các khu vực bảo tồn và các vùng đất hoang sơ, trong đó cộng đồng cần phải được tham gia, những tác động lên văn hóa và cuộc sống người bản địa phải được đánh giá đầy đủ.


Chỉ một con đường thôi thì có thể gây hại gì cho một vùng đất còn nguyên sơ như Vườn quốc gia Yasuni, ngôi nhà chung của lợn lòi Pêcari, heo vòi, khỉ, cùng vô số các loài động vật hoang dã khác? Vậy mà công trình nghiên cứu của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) và tổ chức IDEAS-Universidad San Francisco de Quito ở Ecuador đã chứng minh rằng con đường ấy có thể biến các cộng đồng bản địa thành những phường săn thương mại, dẫn tới sự huỷ diệt các loài động vật hoang dã trong rừng mưa nhiệt đới.

Con đường luân chuyển động vật hoang dã

Công trình nghiên cứu đã khảo sát các tác động của con đường có tới 149 km đi qua khu bảo tồn này do công ty dầu mỏ Maxus Ecuardo Inc xây dựng năm 1992.

Theo kết quả nghiên cứu, con đường trong khu bảo tồn cùng với các khoản trợ cấp của các công ty dầu mỏ dành cho người dân địa phương có thể dẫn đến những thay đổi cơ bản trong phương thức sử dụng tài nguyên của cộng đồng bản địa. Con đường sẽ tạo điều kiện cho người bản xứ tiếp cận sâu hơn với rừng, đồng thời nó cũng trở thành luồng luân chuyển thú săn tới các thị trường động vật hoang dã lân cận theo cách ít tốn kém nhất.

Con đường đã tạo điều kiện để các cộng đồng sinh sống trong và quanh vườn quốc gia dần thay đổi tập quán sống lâu đời của mình sang lối sống săn bắn động vật hoang dã vì mục đích thương mại.

Theo tiến sỹ Avecita Chicchón, giám đốc chương trình của WCS ở khu vực Mỹ Latinh và Caribê thì đó chính là con đường dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững.

Sau đường là chợ

Trong nghiên cứu của mình các nhà khoa học thuộc WCS đã tính toán lượng sản phẩm thịt động vật hoang dã bị buôn bán từ năm 2005 đến 2007 ở một khu chợ thuộc Pompeya, cách công viên quốc gia Yasuni khoảng 5km.

Khu chợ này xuất hiện chỉ một thời gian ngắn sau khi con đường hoàn thành. Theo công trình nghiên cứu, mặc dù việc đi lại trên con đường được kiểm soát gắt gao, các công ty dầu mỏ vẫn nương nhẹ cho những tay thợ săn ở các cộng đồng bản địa Waorani đi lại tự do.

Vận chuyển giá rẻ chính là yếu tố quan trọng nhất khiến cho một lượng lớn thịt các loài động vật hoang dã được vận chuyển từ các cộng đồng Waraoni ra bên ngoài. Trên thực tế, chính sự xuất hiện của con đường đã khiến nhiều người dân Waraoni từ bỏ lối sống bán du cư của họ; hiện tại có ba cộng đồng người Waraoni đã định cư dọc con đường.

Thêm vào đó, các loại súng cầm tay giờ đây không phải là thứ khó kiếm với thợ săn, và vì thế họ không dùng đến các loại súng thô sơ truyền thống nữa.

Theo biên bản nghiên cứu, từ năm 2005 đến 2007, mỗi năm có hơn 11 000 kg thịt rừng được luân chuyển qua thị trường Pompeya. Mặc dù theo thống kê, lượng thịt rừng buôn bán ở Pompeya còn thấp so với các thị trường khác, song có chiều hướng tăng lên rõ rệt trong suốt quá trình nghiên cứu, tăng tới hơn 300kg/ một ngày vào năm 2007, trong khi năm 2005 con số này chỉ xấp xỉ 150kg.

Tới 80% số loài động vật hoang dã bị săn bắn là các loài động vật gặm nhấm Amazon, lợn lòi Pêcari môi trắng, lợn Pêcari cổ viền và loài khỉ lông mịn.

Theo nghiên cứu, hơn 69% lượng sản phẩm thịt động vật hoang dã mua ở Pompeya được bán cho các nhà hàng và các chợ ở các thị trấn khác, có nơi cách chợ đầu mối tới 234km.

Những nhà buôn trung gian đã nâng giá thịt lên tới 60% so với giá trả cho thợ săn. Các thị trường thứ cấp bán thịt động vật hoang dã với giá gấp 2 lần giá thịt trung bình của các loài vật nuôi.

Các tác giả của công trình nghiên cứu đã khuyến cáo sự cần thiết phải có một hệ thống quản lý mới đối với hoạt động khai thác tại các khu vực bảo tồn và các vùng đất hoang sơ. Hệ thống này phải chú ý nhiều hơn tới sự tham gia của cộng đồng địa phương và các tác động của hoạt động phát triển đối với đời sống văn hoá xã hội của các nhóm người bản địa.