"Lễ rửa cày bừa" của người Sán Dìu ở Quảng Ninh

ThienNhien.Net – Người Sán Dìu ở Quảng Ninh sống tập trung ở một số huyện, thị xã như: Vân Đồn, Cẩm Phả và sống xen kẽ với các dân tộc khác ở các huyện: Đông Triều, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà… Đến nay, số dân người Sán Dìu trên địa bàn tỉnh có khoảng 18 nghìn người. Sắc thái văn hóa người Sán Dìu khá phong phú, thể hiện ở các phong tục, tập quán, lễ nghi của họ.


Trong một năm, người Sán Dìu có nhiều lễ tiết. Tháng 7 âm lịch, họ có Tết Mười Tư (14/07). Tết Mười tư tháng Bảy âm lịch của người Sán Dìu được tổ chức trong khuôn khổ gia đình hoặc dòng tộc nhưng khá thịnh soạn bởi nó có ý nghĩa văn hóa truyền thống. Vào ngày này, cả làng, bản, dòng tộc làm lễ cúng Gia Tiên và Thần Nông cẩn báo với các bậc Linh thiêng: công việc đồng áng cấy cày vụ mùa đã vừa xong, tiết Hạ đã qua và chuyển sang tiết Thu, nhà nông sắp sửa làm những công việc mới của tiết Thu. Người Sán Dìu thường gọi Tết Mười Tư (14/07) là “Lễ rửa cày bừa” hoặc “Lễ lên đồng” vì trước đó họ có “Lễ xuống đồng” vào dịp đầu tháng 6 âm lịch, lúc sắp bước vào cấy vụ mùa.

Vụ cấy lúa mùa (lúa xuân hè) xưa của người Sán Dìu rất quan trọng vì một năm họ chỉ có một vụ lúa nước. Vào vụ lúa này, họ còn trồng các loại cây hoa màu, lương thực khác như đỗ, lạc, ngô… Sản phẩm vụ mùa có ý nghĩa quyết định đến đời sống gia đình họ trong năm. Họ làm nụng rất vất vả, kỹ lưỡng từng khâu trong sản xuất mong đạt được năng suất thu hoạch cao. Vì thế mà kết thúc việc cấy trồng vụ xuân hè, họ như được “xả hơi”, trút được gánh nặng cơ bản trong năm. Họ vui mừng lắm!

Lễ vật đặc sắc không thể thiếu trong mâm cúng Gia Tiên, Thần Nông trong Lễ rửa cày bừa là món bánh nhân điền. Nguyên liệu để làm loại bánh này gồm: bột gạo nếp, nhân bánh là đỗ xanh (mặn hoặc ngọt), lạc rang, đường đen và lá mít. Bột gạo nếp được nhào, vật thành từng con bột vừa tầm tay rồi cho vào luộc chín, vớt các con bột luộc chín ra đánh quện thật dẻo rồi nặn bánh, tra nhân vào theo sở thích của mỗi gia đình. Khi bánh làm xong được đặt lên các lá mít đã rửa sạch rồi cho vào nồi hấp cách thủy. Bánh cũng có thể ăn ngay được nếu trong quá trình làm không để lẫn bột sống và nhân bánh đã được làm chín trước. Món bánh này có ý nghĩa quan trọng trong cuộc Lễ. Nguyên liệu dùng làm bánh là sản phẩm của vụ mùa năm trước dành để cúng tạ Thần Nông, Gia Tiên với mong ước vụ mùa năm nay được mưa thuận gió hòa, cho thu hoạch cao hơn năm trước.

Sau Lễ rửa cày bừa, bước sang tiết Thu, trai gái, già trẻ người Sán Dìu xưa thường tổ chức đi chơi đến các làng, bản lân cận hoặc xa hơn để hát đối – gọi là soọng cô, thể hiện tâm trạng vui mừng vừa làm xong một vụ mùa nặng nhọc vất vả, cũng là lúc để anh em, bạn bè chia sẻ, tâm giao và kết thêm bạn mới. Tại cuộc Lễ đó, thầy cúng cũng cầu mong Gia Tiên che chở cho đoàn đi soọng cô được vui vẻ, an toàn, có thêm nhiều bạn mới.

Ngày nay, mặc dù thời điểm kết thúc công việc cấy trồng vụ mùa có sớm hơn do sử dụng các giống cây trồng ngắn hạn nhưng Lễ rửa cày bừa của người Sán Dìu vẫn được duy trì tổ chức cúng đúng ngày. Chỉ có điểm khác xưa, sau ngày Lễ rửa cày bừa, người Sán Dìu không còn tổ chức đi soọng cô để thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần mà thay vào đó, họ đi làm các việc về kinh tế.