Đức hỗ trợ Việt Nam quản lý rừng bền vững

ThienNhien.Net – Ngày 16/09, tại Hà Nội, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) đã ký kết giai đoạn 2 dự án "Chương trình hỗ trợ quản lý rừng bền vững, thương mại và tiếp thị lâm sản chính tại Việt Nam".


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hứa Đức Nhị và ông Guenter Riethmacher, Giám đốc Văn phòng đại diện Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) đã ký dự án này.

Dự án có tổng kinh phí 4,4 triệu euro, trong đó Chính phủ Đức thông qua GTZ tài trợ không hoàn lại 4 triệu euro, phần còn lại là vốn góp của Việt Nam.

Dự án được thực hiện trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 09/2009 ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và các tỉnh Yên Bái, Quảng Bình, Ninh Thuận, Đắk Lắk và Kon Tum.

Mục tiêu của giai đoạn 2 là nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong quản lý rừng, chế biến lâm sản tại Việt Nam và cải thiện việc tiếp thị các sản phẩm của ngành lâm nghiệp.

Thông qua dự án này, người dân nông thôn tại các địa phương trong vùng dự án và cán bộ, nhân viên của các cơ sở lâm nghiệp quốc doanh và tư nhân sẽ được tiếp cận với các chuẩn mực và phương pháp quản lý rừng bền vững.

Bên cạnh đó, các cán bộ lâm nghiệp này còn được tiếp cận với các phương pháp cải tiến trong khâu chế biến theo hướng sử dụng rừng bền vững và tiếp thị các mặt hàng lâm sản, đồng thời được tư vấn về chính sách lâm nghiệp, hỗ trợ công tác quản lý bền vững.

Để thực hiện mục tiêu này, dự án chú trọng vào công tác quản lý, sử dụng tài nguyên rừng bền vững kết hợp với tư vấn chính sách và tăng cường năng lực thể chế ở cấp trung ương và địa phương.

Cùng với việc nâng cao năng lực quản lý tài nguyên thiên nhiên thông qua các phương pháp kỹ thuật nhằm phục hồi, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, dự án còn khuyến khích hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển rừng, phát triển kinh tế từ các sản phẩm rừng nhằm nâng cao giá trị lâm sản.

Thứ trưởng Hứa Đức Nhị cho biết, giai đoạn 1 của dự án được thực hiện từ tháng 10/2005 đến năm 2008 tại 5 tỉnh trên với tổng kinh phí 4,5 triệu euro.