Những quan ngại về kế hoạch khai thác than bùn ở Nga

ThienNhien.Net – Tổ chức Đất Ngập nước Quốc tế đang rất quan ngại về các kế hoạch hỗ trợ và cho phép khai thác than bùn trên quy mô lớn cho nhu cầu năng lượng của chính phủ Liên Bang Nga. Lượng khí carbon thải ra do sử dụng than bùn lớn hơn nhiều so với việc đốt các nhiên liệu hóa thạch, gây huỷ hoại thiên nhiên và phá huỷ môi trường nước trên diện rộng.


Chính phủ Liên bang Nga đã nhiều lần loan báo về kế hoạch khai thác than bùn và mới đây, Konstatin Alekseyev, Lãnh đạo Phòng Công nghiệp Khai thác Than của Nga đã công bố các kế hoạch khai thác than bùn quy mô lớn trong một cuộc họp và trên trang web của bộ chủ quản.

Nga là nước có trữ lượng than bùn lớn nhất trên thế giới với diện tích 1,4 triệu km2, chiếm 47% nguồn tài nguyên than bùn toàn cầu. Hầu hết các khu vực miền Bắc nước Nga đều có đất than bùn. Những vùng đầm lầy than bùn này chứa khoảng 113 tỉ tấn CO2. Nếu bị thoát ra, lượng khí này sẽ gấp 15 lần lượng khí carbon thải ra mỗi năm trên toàn cầu.

Khai thác than bùn cho nhu cầu về nhiên liệu là một hoạt động đã có từ lâu ở Nga. Song do chỉ khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân ở nông thôn nên hoạt động khai thác ít ảnh hưởng tới môi trường.

Hiện nay, than bùn chỉ chiếm gần 0,1% nguồn năng lượng được sử dụng tại Nga. Song các kế hoạch khai thác của chính phủ Nga có thể làm tăng con số này lên tới gần 10%; chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sử dụng ở vùng sâu vùng xa.

Tổ chức Đất Ngập nước Quốc tế quan ngại về các kế hoạch khai thác của chính phủ Nga cũng như việc mở các mỏ than bùn cho các hoạt động thiếu kiểm soát ở quy mô lớn. Bởi lẽ hoạt động này sẽ không chỉ phá hủy hệ sinh thái ở các khu vực rộng lớn, nơi diễn ra hoạt động khai khác, mà khai mỏ còn gián tiếp làm suy thoái những vùng đầm lầy than bùn xung quanh đó.

Ngoài sự suy giảm đa dạng sinh học, lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường do khai thác than bùn thiếu kiểm soát cũng rất nghiêm trọng. Thêm vào đó, môi trường nước cũng sẽ bị phá hủy khi nước không được trữ trong các đầm lầy than bùn nữa, gây ra những tác động vô cùng nguy hại cho dòng chảy của các con sông.
Tổ chức Đất Ngập nước thế giới đang yêu cầu chính phủ Nga chỉ cho phép khai thác than bùn trên quy mô nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng ở những vùng xa xôi của đất nước, và chỉ sử dụng các kỹ thuật khai thác có thể hạn chế tác động đối với môi sinh, và khôi phục được môi trường tự nhiên.

Tổ chức này cũng khuyến cáo, để thu hẹp diện tích khai thác, có thể lấy than bùn ở lớp sâu dưới đáy đầm lầy thay vì khai thác rộng trên bề mặt. Ngoài ra, các khu vực đã khai thác cần phải được phục hồi bằng cách ngăn sự rút nước.

Các vùng lầy than bùn ở những vùng cận Bắc cực của Liên bang Nga rất dễ bị tổn thương trước những xáo trộn. Những hoạt động tương đối nhỏ như xây một con đường cũng gây ra những tác động cực kỳ lớn đến các khu vực chung quanh do dòng chảy bị chặn và sự rút nước khiến cho vùng lầy than bùn bị lún xuống và phân hủy.

Diện tích khu vực bị tàn phá thường gấp 10 lần diện tích các khu vực diễn ra hoạt động khai thác.

Lượng khí carbon thải ra từ những vùng lầy than bùn của nước Nga hiện nay vẫn tương đối nhỏ, khoảng 100 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, tình trạng này có thể thay đổi hoàn toàn nếu Nga tiến hành các kế hoạch khai thác mà không có biện pháp kiểm soát hữu hiệu đi kèm.