Đồng Nai: Nhu cầu bức thiết nước sạch nông thôn

Nước sạch là một nhu cầu hết sức cơ bản trong sinh hoạt của mọi người. Những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã quan tâm và đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến việc cung cấp nước sạch cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Nước sạch về nông thôn…

Theo Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Đồng Nai (NSH&VSMT, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm qua, tỉnh và ngành đã tập trung nhiều cho công tác xây dựng các công trình cung cấp nước sinh hoạt đến các xã vùng sâu, vùng xa. Tùy theo mật độ dân cư và điều kiện kinh tế – xã hội mà những công trình cấp nước được phân bổ phù hợp.

Chỉ tính riêng trong năm 2007, trung tâm đã xây dựng được 176 giếng khoan tay lắp bơm điện, xây mới 36 bể lọc nước và 3.296 giếng nước máy cũ được sửa chữa, nâng cấp để cung cấp nước cho nhiều xã thuộc các huyện miền núi.

Đặc biệt, 5 công trình cấp nước tập trung tại các xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), Phú An và Phú Bình (huyện Tân Phú), Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) đã được khởi công xây dựng, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Các công trình này sẽ cung cấp nước cho hơn 10.000 dân ở các xã trên với tổng kinh phí đầu tư khoảng 11,63 tỷ đồng, trong đó 80% kinh phí từ ngân sách tỉnh.

Ngoài ra, 6 giếng khoan thăm dò khai thác nước ngầm khác trong số những công trình cấp nước tập trung đã hoàn thành việc đo địa – vật lý, báo cáo kỹ thuật. Đó là công trình cấp nước ở các xã Phú Thịnh, Lang Minh, Phú Lập, Thanh Sơn, Xuân Thạnh, Xuân Thiện thuộc các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất. Các công trình này sẽ được xây dựng trong năm 2008.

Trung tâm NSH&VSMT còn sử dụng một số nguồn vốn lồng ghép khác như nguồn vốn từ Chương trình 134 để xây dựng 6 dự án hệ thống cấp nước nhỏ cho 12 xã thuộc các huyện Định Quán, Cẩm Mỹ và Tân Phú. Trung tâm cũng hỗ trợ kỹ thuật 1.140 giếng nước sạch được khoan cho các hộ dân sử dụng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó kinh phí do cộng đồng đóng góp đến 70%. Trung tâm còn hỗ trợ huyện Định Quán tiếp tục xây dựng công trình cấp nước tập trung ở xã Túc Trưng và đưa vào sử dụng hệ thống cấp nước nhỏ ở xã Phú Tân với kinh phí huyện tự đầu tư gần 400 triệu đồng.

Nhu cầu của người dân vẫn còn cao

Ông Khúc Ngọc Thông, Phó Giám đốc Trung tâm NSH&VSMT cho biết: “Các công trình cấp nước được xây dựng đã kịp thời phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch trong sinh hoạt của người dân ở các vùng nông thôn, nhất là ở những vùng trước đây thường xuyên bị thiếu nước trầm trọng vào mùa khô như huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ… Song, hiện nay công tác xây dựng cơ bản cũng đang gặp nhiều khó khăn vì giá vật tư, nhân công tăng nhanh, trong khi thông báo giá của ngành lại rất chậm”.

Mặc dù tỉnh và ngành đã rất quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, nhưng nhu cầu bức thiết về nước của người dân các vùng nông thôn vẫn rất cao. Cùng với các công trình xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình cũ, đến nay lượng nước sạch cấp cho dân cư các vùng nông thôn mới đạt khoảng 70%, còn thấp so với mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2008 này phải là 80%.

Để phấn đấu đạt mục tiêu lâu dài đến năm 2010 là 85% và năm 2020 sẽ là 100% dân số các vùng nông thôn phải được dùng nước sạch là cả một quá trình nỗ lực lớn của tỉnh. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Thông là do giá cả vật tư, nhân công leo thang đã gây nhiều khó khăn trong việc xây dựng các công trình. Nhưng sâu xa hơn là do mức sống và trình độ nhận thức về sử dụng nước sạch của người dân nông thôn còn hạn chế: thói quen dùng nước sông, suối, ao hồ; nhiều hộ không đủ khả năng đào, khoan giếng để sử dụng hoặc đóng góp cùng cộng đồng xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung. Trong khi đó, dân số cơ học ở vùng nông thôn đã tăng lên đáng kể, khiến nhu cầu cung cấp nước sạch ở những vùng này càng trở nên cấp thiết…

Xã hội hóa hoạt động cấp nước – hiệu quả từ một mô hình

Tiên phong trong vấn đề xã hội hóa hoạt động cấp nước phải kể đến huyện Nhơn Trạch. Là một địa phương mà nhiều xã “sống gần sông mà không có nước dùng”, như các xã giáp với sông Thị Vải, sông Lòng Tàu do nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn cao. Vào mùa mưa, người dân ở đây phải tranh thủ hứng nước mưa trữ vào bể chứa. Mùa nắng, người dân phải mua nước ngọt từ các ghe chở nước ở nơi khác tới hoặc sử dụng nước sông, suối, ao hồ trong sinh hoạt hàng ngày.

Để giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm kêu gọi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm cùng với Nhà nước thực hiện các công trình cung cấp nước sinh hoạt để mọi người dân trong huyện có đủ nước sạch để dùng.

Chỉ qua 2 năm thực hiện, huyện Nhơn Trạch đã có 230 giếng khoan được đưa vào sử dụng, hơn 40 bể lọc được xây mới với phương thức 70% vốn của Nhà nước và 30% do hộ gia đình đóng góp. Ngoài ra, nhiều hộ dân được hỗ trợ về kỹ thuật để khoan, đóng trên 1.600 giếng hộ gia đình được khai thác bền vững nguồn nước sinh hoạt. Riêng xã Phước Khánh còn thành lập được một hợp tác xã hoạt động cung cấp nước sinh hoạt cho 1823 hộ dân; công trình cấp nước ở xã Phú Đông phục vụ cho 650 hộ dân và công trình ở xã Phú Hội phục vụ cho 70 hộ dân. Tính đến nay, 95% dân số của Nhơn Trạch đã được dùng nước sạch trong các sinh hoạt hàng ngày.

Trong khi nguồn vốn từ chương trình quốc gia và của tỉnh về cung cấp nước sạch cho các vùng nông thôn còn hạn chế, thì mỗi địa phương tự tìm cho mình một hướng giải quyết nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân của mình là một việc nên làm – mà huyện Nhơn Trạch là một trong những mô hình thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực.