Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn” lần thứ 2

ThienNhien.net – Phát huy thành quả Hội thảo “Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn” lần thứ nhất tổ chức tại Thừa Thiên Huế vào cuối tháng 05/2008, hiện nay, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đang phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường vận động các đơn vị chức năng, các trường Đại học trong nước và các tổ chức nước ngoài tham gia tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề này tại khu vực Tây Nguyên, dự kiến tổ chức vào quý IV năm nay.


Đây là Hội thảo khoa học lần thứ 2 về chủ đề này được tổ chức tại Việt Nam, nhằm tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học của toàn dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

Vì thế, ngoài những yêu cầu về tài trợ, bảo trợ, phối hợp cùng tổ chức, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam còn yêu cầu: Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Tài nguyên Môi trường và Công nghệ sinh học (Đại học Huế), Đại học Tây Nguyên, Đại học Đà Lạt, Đại học khoa học Huế, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB), Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), Đại sứ quán các nước Lào, Cam-pu-chia tại Hà Nội… cần quan tâm tới các nội dung có trong Hội thảo.

Trong đó, đặc biệt lưu ý các thông tin liên quan tới: Đa dạng sinh học (ĐDSH) trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu; vấn đề quy hoạch các khu bảo tồn, hành lang ĐDSH, quy hoạch ĐDSH địa phương; Bảo tồn ĐDSH xuyên biên giới liên quan đến dãy Trường Sơn; Đánh giá tác động của việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bao gồm các chiến lược, kế hoạch, đề án, dự án phát triển; Sử dụng bền vững lâm sản ngoài gỗ kết hợp xoá đói giảm nghèo tại các cộng đồng dân cư; Giới thiệu những kết quả và kinh nghiệm tiến hành các dịch vụ hệ sinh thái tại các địa bàn trong vùng (bao gồm vấn đề chi trả dịch vụ hệ sinh thái, tổ chức dịch vụ sinh thái); Phát triển nuôi sinh sản động vật rừng và những vấn đề phát sinh; Kết quả điều tra, quan trắc, kiểm kê, đánh giá hiện trạng ĐDSH và kết quả các nghiên cứu khoa học liên quan khác ở khu vực này….

Hy vọng, Hôi thảo sẽ là cơ sở thông tin khoa học bổ ích cho lĩnh vực bảo tồn tồn thiên nhiên hiện nay ở nước ta.