Bảo vệ môi trường trước tự do hóa thương mại

ThienNhien.Net – Thực tế cho thấy, song song với quá trình tự do hóa thương mại, vấn đề môi trường có sự biến đổi mạnh mẽ theo cả 2 chiều hướng tích cực và tiêu cực. Việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa thương mại và môi trường là vấn đề lớn của các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.


Theo Tiến sĩ Trần Anh Tài, Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, trình tự tự do hóa thương mại dẫn đến xu hướng các biện pháp quản lý nhập khẩu của Việt Nam bị hạn chế áp dụng và do đó nguy cơ nhập khẩu tràn lan các sản phẩm tiềm ẩn có hại đối với môi trường. Bên cạnh đó, tự do hóa thương mại sẽ thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất trong bối cảnh hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng còn yếu kém. Lợi nhuận và áp lực cạnh tranh của thị trường là yếu tố khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng các quy trình công nghệ không thân thiện với môi trường để giảm tối đa chi phí sản xuất… Chính những điều này làm cho môi trường nước ven biển bị ô nhiễm nặng, nhất là do các nguồn thải ở biển và từ lục địa.

Nước thải gây ô nhiễm biển và sông là nước thải sinh hoạt hay nước thải công nghiệp chưa qua xử lý. Hàng năm các khu công nghiệp ven biển thải ra hàng trăm triệu m3 nước thải. Các sông lớn khi đổ ra biển đều chảy qua các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và những vùng nông nghiệp phát triển. Nguồn thải ngay trên biển chủ yếu phát sinh từ các hoạt động trên mặt biển như khai thác và nuôi thủy sản, thăm dò khai thác dầu khí, tàu thuyền chở dầu, than và hàng hóa. Hàm lượng dầu trong nước biển ở tất cả các khu vực là 1,1mg/l, vượt giới hạn của các nước Đông Nam Á.

TS Trần Anh Tài đã đề xuất một số giải pháp mang tính gián tiếp liên quan đến thương mại; giải pháp liên quan trực tiếp đến quản lý môi trường biển và nước. Các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, quan niệm về sản xuất sạch và bảo vệ môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn quy định ngặt nghèo của thị trường và người tiêu dùng.

Trong phạm vi liên quan đến thương mại – môi trường, các hoạt động chính sách cũng như các doanh nghiệp đều cần có một cách tiếp cận chủ động. Với xu thế “hội nhập kinh tế quốc tế”, các doanh nghiệp Việt Nam phải hội nhập về các chuẩn mực hành xử trong quy tắc kinh doanh, trong đó có điều kiện tiên quyết là phát triển bền vững, trách nhiệm với môi trường. Chính phủ cần áp dụng ngày càng nhiều hơn các biện pháp nhằm hạn chế hoặc giảm bớt tác động của các hoạt động sản xuất, tiêu dùng của xã hội đối với môi trường như các quy định về nhãn mác sinh thái, mức độ ô nhiễm, hàm lượng các chất có hại cho môi trường, khả năng tái chế của bao bì, hay các tiêu chuẩn môi trường, các loại thuế, phí môi trường nhằm khuyến khích ý thức tự bảo vệ môi trường.

Một kinh nghiệm của nhiều nước là đánh thuế môi trường. Có thể làm trước tiên là thuế tiêu thụ đặc biệt về năng lượng để hạn chế sử dụng thái quá các nguồn năng lượng. Nguồn thu từ thuế môi trường sẽ không nhỏ nếu biết tận thu và đây chính là nguồn lực để giải quyết từng bước vấn đề môi trường ở nước ta.

Hiện Việt Nam đang chủ yếu triển khai hệ thống các cơ quan bảo vệ, quản lý biển theo mô hình kết hợp là quản lý theo ngành, lãnh thổ và tổng hợp nhưng nên thực thi theo mô hình tổng hợp vì cách quản lý này sẽ đưa ra một chiến lược tổng thể và chính sách bảo vệ môi trường biển trên phạm vi toàn quốc. Nhà nước cần có các biện pháp kiểm soát, xử phạt nghiêm minh và có quỹ đầu tư bảo vệ môi trường biển để ngăn chặn các hiện tượng gây ô nhiễm biển, khai thác có tính hủy diệt tài nguyên, mà trước mắt cần điều chỉnh những mâu thuẫn trong Nghị định 57, 67 của Chính phủ, thực hiện tốt các quyết định 64/2003, 04/2007 về xây dựng định mức phát thải chất gây ô nhiễm nước.

Các dự án đầu tư nhất thiết phải có báo có đánh giá tác động môi trường, kiên quyết từ chối những dự án có nguy có gây ô nhiễm cao. Những nhà máy mới xây dựng buộc phải nghiêm túc thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường, xây dựng một lộ trình để thực hiện đúng cam kết. Mức xử phạt hành chính đang là 70 triệu đồng với mỗi hành vi vi phạm và không được vượt mức trần nên Nhà nước cần nâng mức xử phạt này đủ mạnh…