Quảng Bình – 20ha đất rừng đã bị tàn phá nặng nề

ThienNhien.Net – Báo Nông Thôn ngày nay số 162 (14/8/2009) có đưa tin, khu vực rộng khoảng 20ha của rừng Cầu Roàng (thôn Quảng Hóa, xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) đã bị phá bỏ để “trồng rừng phát triển sản xuất”, mà khởi xướng lai nguyên là giám đốc lâm trường này.


Hiện nay, cánh rừng này chỉ còn sót lại cảnh ngổn ngang của bãi “chiến trường”, trơ trọi lại những gốc cây có đường kính từ 15cm -20 cm nằm trên sườn đồi thuộc tiểu khu 79. Trạng thái của 20ha rừng này là rừng 2a (rừng có gỗ phải phục hồi khoanh nuôi bảo vệ), thế nhưng cho tới nay rừng đã bị nguyên giám đốc lâm trường – ông Trần Quốc Khánh tàn phá nặng nề.

Theo thông tin của báo Nông Thôn ngày nay, tháng 08/2003, UBND huyện Minh Hóa đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với diện tích 289.600m2 rừng ở trạng thái 2a cho bà Lê Thị Oanh ở Cầu Roàng, xã Hồng Hóa (Minh Hóa), Sau đó bà Oanh đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích này cho vợ chồng bà Trần Thị Diệu Nga (thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa) với giá là 40 triệu đồng.

Thủ tục chưa xong nhưng ngày 26/06/2009 ông Trần Quốc Khánh – nguyên là giám đốc lâm trường và cũng là bố của bà Nga đã thuê người chặt hạ 10ha rừng trên diện tích đất mà bà Oanh vừa chuyển nhượng. Mặc dù đã có biên bản xử lý vụ việc, khu vực rừng này đã được ông Khánh đẩy nhanh tiến độ khai thác và tới nay diện tích rừng bị tàn phá đã lên tới 21ha.

Có một điều chắc chắn rằng với chức vụ nguyên là giám đốc lâm trường, ông Khánh phải biết rõ hơn ai hết là khu rừng mình vừa khai thác có trạng thái 2a, cần khoanh nuôi bảo vệ, thế nhưng ngày 24/07/2009, ông Khánh lại ghi trong biên bản vi phạm của mình tại phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Minh Hóa là ông chỉ “phát cây trồng rừng phát triển sản xuất”.

Và cũng trong ngày 24/07/2009, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Minh Hòa cũng đã tiến hành kiểm tra và đưa ra kết luận bất ngờ về khu rừng trước đây đã được xác định trạng thái là 2a, là “Khu vực rừng trên có trạng thái rừng 1c(rừng trọc)”, trong khi đáng lẽ ra phải kiểm tra trạng thái rừng trước khi sự việc xảy ra. Kêt luận này đã làm dư luận có quyền nghi ngờ về tính khách quan của cơ quan chức năng trong sự việc này.

Sự việc trên xảy ra tại ven đường quốc lộ 12A và diễn ra trong thời gian dài, tuy nhiên lại không hề được xử lý và ngăn chặn kịp thời. Điều này đã cho thấy một thực trạng rằng việc khai thác rừng một cách “triệt để ” như hiện nay đang được hành động một cách ngang nhiên.