Du lịch Việt Nam trước dịch cúm A/H1N1

ThienNhien.Net – Trong 7 tháng đầu năm, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và gần đây là dịch cúm A/H1N1, nhưng cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và với nỗ lực của ngành Du lịch, doanh thu của ngành 7 tháng đầu năm vẫn tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2008.


Tổng cục Du lịch cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đã sụt giảm 18,7% (ước đạt 2,1 triệu lượt khách) so với cùng kỳ 2008, hầu hết thị trường trọng điểm của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều giảm từ 5-37%. Nhưng nhờ lượng khách du lịch nội địa 7 tháng đầu năm tăng khoảng 13% (ước đạt 13,7 triệu lượt khách) nên thu nhập xã hội ở hầu hết các vùng trọng điểm du lịch đều có sự tăng trưởng và do vậy ngành Du lịch vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao về số lượng khách, doanh thu hơn 32.000 tỷ đồng.

5 tháng cuối năm 2009, Tổng cục Du lịch xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục triển khai chương trình “Ấn tượng Việt Nam”, tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương đẩy mạnh xúc tiến du lịch trong và ngoài nước như tham gia Hội chợ Du lịch ASEAN-Nhật Bản, Hội chợ Top Resa tại Pháp, Roadshow Bắc Kinh-Thượng Hải-Quảng Châu, triển khai các công tác hậu cần phục vụ giải Indoor Games vào tháng 10 tại Việt Nam.

Ngành Du lịch tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn chỉnh các kế hoạch, đề án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như Đề án đào tạo chuẩn hóa 1.000 hướng dẫn viên du lịch, 1.000 giám đốc khách sạn, chương trình quảng bá cho 1000 năm Thăng Long Hà Nội và Năm Du lịch quốc gia 2010…

Cục Hợp tác quốc tế của Bộ cũng đã ký 4 hợp đồng quảng bá văn hóa-đất nước-con người Việt Nam trên kênh truyền hình quốc tế BBC World News.

Riêng nhiệm vụ đối phó với dịch cúm A/H1N1, Tổng cục đã yêu cầu các cơ quan quản lý du lịch địa phương, công ty kinh doanh lữ hành và các khách sạn tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống cúm trong ngành như thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp bảo đảm an toàn nơi làm việc, nhất là các địa điểm thường xuyên đón khách; cập thật thông tin đầy đủ thường xuyên cho khách hàng về diễn biến cúm A/H1N1 tại Việt Nam cũng như các biện pháp, kết quả phòng chống dịch tích cực của Chính phủ và ngành Y tế Việt Nam, tránh thông tin sai lệch gây hoang mang cho du khách, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của ngành Du lịch Việt Nam.

Ông Trần Thanh Dương Cục phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, công tác y tế dự phòng, kiểm dịch tại các khu vực biên giới cần được kiểm soát chặt chẽ, kịp thời khoanh vùng các nơi có dịch thông báo nhanh chóng đến nhân dân để mọi người đề phòng. Ngoài ra, chuẩn bị khâu hậu cần như: khẩu trang, thuốc men, dịch truyền … phải thật chu đáo, đặc biệt phác đồ điều trị cúm A H1N1 của Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao về hiệu quả và đã được chia sẻ kinh nghiệm với nhiều quốc gia khác.

Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, nếu thực hiện tốt các công tác này, dịch cúm A/H1N1 sẽ gây ảnh hưởng không nhiều đến tăng trưởng của ngành Du lịch Việt Nam.