Mối lo mới về dịch hạch thể phổi

ThienNhien.Net – Liên tiếp trong nhiều ngày qua, thông tin về dịch hạch thể phổi bùng phát ở Trung Quốc đã xuất hiện nhiều trên các mặt báo, tạo ra một mối lo mới trong cộng đồng. Là nước láng giềng với Trung Quốc, người dân Việt Nam không khỏi hoang mang trước những thông tin về dịch bệnh mới này, trong khi cúm A/H1N1 vẫn đang lây lan nhanh và dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại. Đặc biệt, có nhiều ý kiến cho rằng, dịch hạch thể phổi còn nguy hiểm hơn cả SARS hay cúm A/H1N1.


Dịch hạch thể phổi bắt đầu xuất hiện ngày 30/07 ở thành phố Ziketan, tỉnh Thanh Hải thuộc khu tự trị dân tộc Tây Tạng Hainan – Trung Quốc. Cho đến nay, đã có 12 người nhiễm bệnh và 3 người tử vong. Đây là lần bùng phát dịch hạch thứ ba tại Thanh Hải trong vòng 10 năm qua. Toàn bộ thành phố này đã bị cách ly từ khi nạn nhân đầu tiên của dịch hạch thể phổi qua đời.

Dịch hạch thể phổi là dịch bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao

Dịch hạch thể phổi là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra (vi khuẩn được Alexandre Yersin phát hiện năm 1894 tại Hong Kong). Nó cùng loại với vi khuẩn gây ra dịch hạch thể hạch, xuất hiện từ thời cổ xưa và đã gây ra bốn trận đại dịch với số tử vong khủng khiếp trong lịch sử nhân loại. Đặc biệt là hai đại dịch vào thế kỷ 6 làm chết gần 40 triệu người và thế kỷ 14 nổi tiếng với “Cái chết đen” thời Trung cổ, gây tử vong cho khoảng 25 triệu người châu Âu, 40 triệu người châu Á, châu Phi. Bệnh dịch hạch được đặc biệt chú ý trở lại trong thời gian gần đây do có mối lo ngại vi khuẩn Yersinia pestis có thể được sử dụng như một loại vũ khí sinh học trong cuộc chiến khủng bố.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch hạch thể phổi là thể dịch đáng sợ nhất trong số 4 thể dịch hạch: Dịch hạch thể hạch, dịch hạch thể phổi, dịch hạch thể nhiễm trùng huyết và dịch hạch thể màng não. Vi khuẩn hạch thể phổi có thể lan truyền trong không khí và lây từ người này sang người khác khi ho. Các triệu chứng của bệnh dịch hạch thể phổi gồm sốt cao, đau ngực, ho, thở dốc và ho ra chất dịch có lẫn máu hoặc đờm.

Dịch hạch thể hạch có nguồn gốc bệnh từ các loài thú gặm nhấm, thường lây lan sang người qua tác nhân truyền bệnh là bọ chét, có thể chữa trị được bằng kháng sinh nếu phát hiện sớm. Trong khi đó, dịch hạch thể phổi lại là một trong những bệnh lây nhiễm dễ gây chết người nhất, và bệnh nhân có thể chết trong vòng 24 giờ sau khi nhiễm bệnh. Các chuyên gia y tế cho rằng, nếu dịch hạch thể phổi lây lan, nó sẽ gây nguy hiểm nhiều hơn cả SARS hay cúm A/H1N1.

Tuy nhiên, theo WHO, mặc dù dịch bệnh có thể giết chết 60% số nạn nhân nếu họ không được phát hiện nhiễm bệnh kịp thời, nhưng chuẩn đoán sớm và điều trị bằng các loại kháng sinh đặc chủng như streptomycin và tetracycline sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân xuống dưới 15%.

Do đó, tình hình dịch bệnh đang bùng phát ở Trung Quốc hiện nay cần phải được thông báo quốc tế.

Nguy cơ dịch bệnh thâm nhập vào Việt Nam thấp

Trong thập niên 1960-1970, Việt Nam là nước có số bệnh nhân dịch hạch nhiều nhất nhì thế giới với hàng ngàn trường hợp xảy ra hằng năm. Vụ dịch lớn xảy ra gần đây vào các năm 1975-1978, dịch hạch bộc phát và lan rộng tại hầu hết các tỉnh thành phía Nam và một số tỉnh phía Bắc.

Đại diện Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết tại Việt Nam những năm trước chủ yếu là dịch hạch thể hạch bạch huyết. Tuy nhiên, kể từ ca bệnh cuối cùng năm 2003 tại Tây Nguyên, đến nay qua giám sát chưa ghi nhận ca mới nào.

Theo nguồn thông tin từ Bộ Y tế, nguy cơ xâm nhập dịch hạch thể phổi vào Việt Nam rất thấp vì chính quyền, trung tâm y tế tại nơi có dịch đã có các biện pháp bao vây rất khẩn trương. Tại Việt Nam, gần 7 năm qua không ghi nhận ca bệnh dịch hạch nào. Hơn nữa, các giám sát dịch tễ thời gian qua đều không ghi nhận nguy cơ xuất hiện dịch hạch ở người cũng như khả năng dương tính với dịch hạch trên nguồn truyền bệnh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trước thông tin về dịch nêu trên, các viện vệ sinh dịch tễ trong nước, kiểm dịch y tế biên giới cần duy trì các hoạt động giám sát các yếu tố nguy cơ, đặc biệt tại khu vực cửa khẩu phía Bắc.

Ông Nguyễn Huy Nga cũng đề phòng: “Dù phía Tây Trung Quốc rất xa Việt Nam, nhiều năm nay nước ta không ghi nhận ca bệnh, nhưng các cửa khẩu vẫn được chỉ đạo giám sát chặt chẽ, nhất là những chuyến tàu xe chở hàng hóa, vì chuột mang vi khuẩn dịch hạch có thể theo hàng hóa vào Việt Nam”.

Ngoài ra, cần lưu ý đến khu vực sinh sống có bọ chét, chuột, nhất là khi phát hiện có chuột chết, sau đó người bị sốt, nổi hạch… thì cần nhanh chóng đi khám bệnh. Với những người hay làm thịt chuột cũng cần hết sức cảnh giác, vì nếu tay có vết xước, vi khuẩn gây bệnh hạch có thể xâm nhập qua vết hở vào máu và gây bệnh.

Từ năm 2001 tới nay, WHO ghi nhận 6 đợt dịch hạch thể phổi, chủ yếu ở những vùng xa xôi. Đặc biệt, năm 2003, hơn 2.100 người ở 9 nước trên thế giới đã nhiếm dịch hạch thể phổi và 182 người trong số này đã tử vong. Gần 99% số trường hợp nhiễm và tử vong là ở châu Mỹ.