Khai thác cát sông Hồng – Ai chịu trách nhiệm?

ThienNhien.Net – Vốn được coi là một nghề hái ra tiền, nên nhiều năm qua, tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông Hồng vẫn diễn ra hàng ngày, mặc cho con sông này phải oằn mình gánh chịu, bất chấp cả sự an toàn khi mùa mưa lũ về. Có đứng trên cầu Thăng Long nhìn xuống mới cảm thấy xót xa khi bãi sông Hồng đang bị mòn dần bởi các công trường khai thác cát đang làm việc tấp nập…


Hiện tại, trên các tuyến sông Hồng và sông Đuống có khoảng 20 điểm khai thác cát. Trong đó, dọc tuyến sông Hồng qua Hà Nội, từ xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm kéo xuống tận xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì, cả 2 bên sông Hồng có tới hàng chục bãi cát và điểm khai thác cát. Địa bàn có nhiều bến bãi, điểm khai thác cát nhất là xã Hải Bối (huyện Đông Anh).

Với những khu vực được phép khai thác như khu vực đê hữu sông Hồng thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, từ năm 1992 huyện Từ Liêm đã có văn bản bàn giao khu đất này cho Hợp tác xã Liên Thắng làm đất sản xuất nông nghiệp. Tới năm 2002, Uỷ Ban Nhân Dân TP Hà Nội ban hành quyết định cho phép cải tạo bãi đê sông Hồng làm nơi bốc xếp và trung chuyển vật liệu xây dựng. Quyết định còn nêu rõ không được khai thác cát đen ở lòng sông, không sử dụng bãi vào mục đích khác. Thế nhưng, đơn vị này không chỉ tận dụng triệt để bãi phục vụ cho khai thác và trung chuyển vật liệu xây dựng, mà cát sông Hồng còn được khai thác vô tội vạ, mạnh ai người đấy làm không cần biết việc làm của mình có ảnh hưởng tới môi trường xung quanh cũng như sự an toàn của chính mình hay không.

Nghiêm trọng hơn, các luồng chạy tàu trên tuyến đường thủy duy nhất đi từ phía Bắc qua khu vực Thủ đô ra biển và ngược lại, đã bị việc khai thác trái phép tùy tiện này đe dọa và gây nguy hại trực tiếp.

Đứng trước tình trạng khai thác cát nghiêm trọng như hiện nay, được biết, thanh tra, Cảnh sát giao thông đường thủy đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản vi phạm, đồng thời gửi văn bản kiến nghị đến chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội nhưng cho tới nay, chính quyển địa phương vẫn chưa vào cuộc để có thể ngăn chặn sự việc này.

Với trường hợp của hợp tác xã Liên Thắng, chính quyền địa phương đã nhận được đơn thư tố cáo khiếu nại của người dân thôn Liên Ngạc với các biểu hiện sai phạm, Ủy ban Nhân dân xã đã làm việc với hợp tác xã Liên Thắng và có quyết định đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động khai thác vẫn không hề bị đình chỉ mà vẫn tiếp tục như bình thường.

Có thể nói thực trạng khai thác cát trên sông Hồng đã kéo dài từ nhiều năm nay. Cứ mỗi năm nước về, là một lần sông Hồng lại phải gồng mình gánh chịu, người dân Thủ đô lại thêm một lần lo lắng. Thiết nghĩ, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, hậu quả xảy ra thì không biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm?