Cây cỏ Trường Sa

ThienNhien.Net – Nói về mật độ thành phần loài thực vật bậc cao ở quần đảo Trường Sa, con số 117 loài thuộc 42 họ trong 3 ngành thực vật cho thấy Trường Sa không hề "nghèo" khi so với một số vùng trong đất liền. Trên các đảo, số lượng loài và cá thể cây thân thảo chiếm đông đảo nhất, kế đó là cây bụi, còn cây thân gỗ thì quả thực không nhiều, nếu không muốn nói rằng rất hiếm.

Cây bão táp – Hiên ngang giữa sóng gió Trường Sa

Trường Sa qua ảnh

Đại diện cây thân gỗ có Bàng vuông (Barringtonia asiatica), Mù u (Callophyllum inophyllum), Phong ba (Argusia argentea), Bàng biển (Terminalia catappa), Dừa (Cocos nucifera), Mộc chi (Cerbera manghas). Cây bụi là Hếp (Scaveola taccada), Nhàu (Morinda officinalis). Cây thảo phổ biến là Muống biển (Ipomoea pes-caprea), các loài thuộc họ Hoà thảo (Poacaceae),… Vai trò của thảm thực vật ở đây chủ yếu phủ xanh mặt đất, che phủ một số công trình nhà ở và quốc phòng.

Số loài trên các đảo cũng khác nhau. Đa dạng loài và nhiều cá thể phát triển tốt nhất là Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca,… kém nhất là Trường Sa Lớn.

Trên đảo Trường Sa Lớn, sở dĩ sự phát triển của thực vật bậc cao rất hạn chế bởi điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt, đất cát san hô cằn cỗi, nhiều tảng đá san hô lớn ngăn cản sự sống của cây xanh. Bởi vậy, trước đây nếu tính cả đảo cũng chỉ có 2 cây Bàng vuông và một số bụi Hếp.

Sau bảy lần khảo sát và tiến hành nghiên cứu điều tra cơ bản các điều kiện sinh thái, trồng thử nghiệm một số loài cây trên Trường Sa Lớn, đề tài phục hồi và phát triển  cây xanh trên các đảo, với Trường Sa lớn là trọng điểm của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật đã thành công tốt đẹp. Một số loài đã sinh trưởng bền vững như Bàng biển, Tra biển, Bàng vuông, Mù u, Phong ba,…

Những năm đầu, nguồn cây giống phải nhập từ đất liền, thậm chí từ thủ đô Hà Nội, để đến được với Trường Sa vô cùng gian khó. Nhưng với sự chăm sóc có kỹ thuật và lòng nhiệt tình của chiến sỹ trên đảo, các loài cây con đã nhanh chóng phát triển và trụ vững trên đảo qua tất cả sự khắc nghiệt để màu xanh luôn xanh. Giờ đây ở Trường Sa Lớn đã có thể tự túc nguồn cây giống bằng chính hạt cây các loài trên đảo được gieo ươm và trồng tại chỗ.

Ngày nay qua truyền hình, cả nước có thể thấy rất rõ bên cạnh doanh trại và công sự ở Trường Sa đã có nhiều màu xanh che phủ. Đó là kết quả công lao của nhiều thế hệ cán bộ chiến sỹ Trường Sa cộng với đóng góp của các nhà khoa học. Trường Sa hôm nay không chỉ lác đác 2 cây Bàng vuông và mấy cây Hếp mà đã có hàng nghìn cây các loại khác.

Trường Sa đang và sẽ ngày càng xanh hơn, vững vàng hơn như tuổi hai mươi tươi trẻ của các cán bộ chiến sỹ Trường Sa.