Bọ que gây hại rừng luồng ở Thanh Hóa

ThienNhien.Net – Trong những năm qua, cây luồng ở Thanh Hóa đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình và là cây trồng mũi nhọn trong công tác xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh. Tuy nhiên, theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hoá, hiện tỉnh đang có trên 650 ha rừng luồng ở các huyện Quan Sơn và Quan Hoá bị loài bọ que phá hại – một loại sinh vật hại luồng hết sức nguy hiểm.


Bọ que có kích thước không đồng đều, dạng hình que, màu xanh hoặc màu xám (chuyển biến theo màu lá luồng), có chiều dài từ 8 đến 10cm, không cánh, khả năng bò rất nhanh nhờ 3 cặp chân dài nhiều đốt, có 1 cặp râu đầu hình răng lược, mắt kép. Khi xuất hiện nó ăn từ mép lá đến cuống lá luồng gây trụi và không có khả năng phục hồi.

Mặc dù không phải là loài côn trùng lạ nhưng bọ que xuất hiện trên rừng luồng và gây hại cho luồng thì đây là là nơi đầu tiên được phát hiện. Trước đó dịch bọ que cũng có xuất hiện tại huyện đảo Cát Bà nhưng phá hại các loại cây lâm nghiệp khác. Ở Thanh Hoá, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, đã có hơn 650 ha rừng luồng bị bọ que phá hại, trong đó huyện Quan Sơn có 600 ha và huyện Quan Hoá có trên 50 ha.

Ở huyện Quan Hóa, loại bọ que này xuất hiện tại bản Lở, xã Nam Động, vào trung tuần tháng 6, khi mới phát hiện chỉ với 5 ha, mật độ thấp, nhưng tới nay số diện tích bị hại đã tăng lên hơn 50 ha, mật độ cao từ 100 đến 150 con/cây. Đối với số diện tích luồng bị hại măng non không thể mọc được.

Thấy được mức độ nguy hại của loại bọ này, huyện Quan Hóa đang dùng máy phun công suất lớn, kết hợp với nhân dân bản Lở, xã Nam Động, xử lý hơn 10 ha tại tiểu khu 185 khoảnh 1, với hai loại thuốc hóa học là Bassa 50 EC, Cymerin 25EC.

Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Thanh Hoá cũng đang hướng dẫn các huyện khác khoanh vùng luồng bị nhiễm bọ que và dùng các máy phun công suất lớn phun thuốc hóa học để diệt bọ que nhưng hiệu lực không cao.

Đối phó với nguy cơ này, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có quyết định giao Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh thực hiện đề tài khoa học tìm ra quy luật sinh trưởng, phát triển, khả năng gây hại và biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất để bảo vệ rừng luồng.