Ứng dụng công nghệ sinh học cứu mạ

Trong đợt rét đậm, rét hại lịch sử kéo dài trong gần 40 ngày trước và sau Tết âm lịch Mậu Tý, việc xuống mạ cho vụ Đông – Xuân của nông dân Bắc, Trung Bộ gặp khó khăn do mạ chết rét hàng loạt. Thế nhưng ở huyện Nam Sách, Hải Dương, một số gia đình đã cứu được mạ nhờ ứng dụng công nghệ sinh học.

Công nghệ từ Internet

Nguyễn Thị Quyên (thôn Nhân Lễ, xã Đồng Lạc), cho biết: “Khi đám mạ gieo được 12 ngày, tôi bắt đầu phun chế phẩm sinh học do Trạm Bảo vệ Thực vật (BVTV) cung cấp, sau 4 ngày đám mạ phun thuốc khác hẳn, lá buông ra xanh, rễ dài, trắng, còn lô mạ đối chứng không phun thì cứ bạch tạng, lụi đi. 100% chỗ mạ dùng thuốc cấy được, còn đám mạ không dùng thuốc chỉ được khoảng 30%”. Đã có 3 hộ khác trong thôn Nhân Lễ cứu được mạ nhờ dùng chế phẩm sinh học như gia đình chị Quyên.

Chị Phạm Thị Hậu – Trạm trưởng Trạm BVTV Nam Sách – cho biết: “Rét hại kéo dài khiến mạ chết nhiều quá làm chúng tôi rất lo lắng. Tìm kiếm thông tin trên Internet, tôi thấy chế phẩm sinh học của K-H, A-H, N-H của Công ty cổ phần (CP) Thanh Hà có những đặc tính chống rét cho cây trồng và đã có những thành công thực tế nên tôi mua về hướng dẫn để bà con dùng thử. Kết quả không ngờ được và tôi đã điện báo cáo các anh trên Sở Nông nghiệp tỉnh”.

Hạn chế thiệt hại tối đa

Chị Phạm Thị Hậu cũng cho biết: “Mạ rược (mạ gieo dưới ruộng) bị rét hại nhiều người cũng cho là chết rồi, lá chết khô, nhưng chỉ cần 2-3 phân gốc còn cứng, rút thử chồi không bị tuột phun chế phẩm sinh học của Thanh Hà cũng cho hiệu quả. Chỉ sau 7 ngày gốc tươi hẳn lên, nhổ lên thì thấy rễ phát triển tốt, trắng dài, thân xanh. Thế là ngon lành! Bây giờ phải khuyến cáo là mạ rược bị rét cũng để lại và sử dụng chế phẩm sinh học, không cần xuống giống mới, như vậy sẽ hạn chế tối đa tốn kém cho bà con nông dân”.

Ông Nguyễn Quang Đồng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương – cũng khẳng định: “Ứng dụng chế phẩm sinh học để chống rét cho mạ có hiệu quả rõ rệt. Chúng tôi sẽ khuyến cáo và trợ giá để bà con nông dân cứu mạ”.

Đánh giá việc ứng dụng công nghệ sinh học cứu mạ ở Hải Dương, GS Nguyễn Lân Hùng – Tổng Thư ký Hội các Ngành Sinh học Việt Nam – cho biết: “Về nguyên tắc, ai tham gia vào lúc này là rất quan trọng, ít nhất đã có người lao vào cuộc là rất hay. Cái thứ hai là đã có hiệu quả nhãn tiền ở địa phương và người nông dân đã làm tin tưởng vào”.

Theo ông Nguyễn Anh Kết – Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Hà, trong đợt rét hại vừa qua, Công ty cổ phần Thanh Hà đã tổ chức cung ứng chế phẩm sinh học để cứu lúa ở Nam Định và Thái Bình.