Sự thật về mưa… ếch

ThienNhien.Net – Là hiện tượng thời tiết hiếm khi xảy ra, song mưa ếch hoàn toàn không phải một chủ đề quá mới mẻ bởi thực tế, hiện tượng tự nhiên kỳ lạ này đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Trường hợp mưa ếch đầu tiên mà loài người ghi nhận được là vào thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, từ mô tả của nhà tự nhiên học người La Mã cổ đại Pliny the Elder, và mới đây là trận mưa ếch tại Serbia năm 2005.

Theo các nguồn tin báo chí thì tần suất xảy ra những trận mưa ếch hoặc những vật thể không mong đợi khác ít nhất là một lần/thập kỷ và có thể nhiều hơn thế. Dù chưa xác định được nguyên nhân nhưng thời gian gần đây nước Anh đang là điểm đến của nhiều cơn mưa ếch nhất.

Mưa ếch (Ảnh minh họa: Tindachieu.com)

Mưa ếch – chuyến “du lịch” của đại gia đình lưỡng cư

Dẫu còn nhiều điều huyền bí xoay quanh những trận mưa ếch nhưng các nhà khoa học đã tìm ra một cách lý giải khá dễ hiểu: họ cho đây là hiện tượng liên quan tới vòi rồng hay gió xoáy và thường xảy ra với các sinh vật có trọng lượng nhẹ­.

Những con ếch có khi chỉ nặng vài chục gam và ngay cả những con nặng hơn cũng không phải là “đối thủ” của một trận lốc xoáy nước hay vòi rồng.

Thông thường, lốc xoáy hình thành trên một vùng nước có thể tạo nên hiện tượng gọi là vòi rồng. Nó thường được “khơi mào” bởi hệ thống áp suất cao xuất hiện trước một cơn giông dữ dội.­

Còn với một vòi rồng hình thành trên đất liền, trung tâm của nó lại là một ống áp suất thấp nằm trong vùng áp suất cao. Điều này giúp chúng ta lý giải tại sao nó bốc được những vật có trọng lượng tương đối nhẹ trên đường đi và thậm chí cả những vật thể nặng như trâu bò,­ nhà cửa, xe cộ…

Song, nếu vòi rồng xảy ra trên mặt nước chứ không phải đất liền thì những vật thể bị hút vào sẽ không phải là trâu bò, nhà cửa hay xe cộ nữa mà chính là các sinh vật sống dưới nước. ­

Như đã nói, vòi rồng cuốn những thứ có trọng lượng nhẹ ở vùng nước mà nó đi qua. Và vì thế, việc một loài nhỏ nhẹ như ếch bị cuốn vào các dòng xoáy vòi rồng di chuyển khắp vùng nước với những đám mây bão áp suất cao chẳng có gì là khó hiểu.

Khi cơn bão cực mạnh đổ bộ vào đất liền, vòi rồng có thể sẽ di chuyển theo bão. Tuy nhiên nếu vào đất liền, bão sẽ yếu dần đi kèm theo tình trạng suy giảm áp suất, sau đó những đám mây nhanh chóng giải phóng lượng nước mà chúng cuốn theo. Và một khi mưa xuống, vòi rồng cũng không còn khả năng di chuyển, nó sẽ “trả tự do” cho bất cứ thứ gì hút được trên đường đi, mà đôi khi là những chú ếch. Đây chính là nguyên nhân gây nên các cơn mưa ếch.

Các trận mưa ếch có lúc chỉ đổ xuống vài chục con ếch, nhưng cũng có trường hợp là vài trăm hay cả nghìn con. Vì vòi rồng có thể di chuyển xa tới hàng trăm, hàng nghìn dặm nên những con ếch có thể bay đến những nơi rất xa, song bình thường, đại gia đình nhà ếch chỉ vi vu vài dặm trước khi “hạ cánh” và đa số đều “tử nạn”. Tuy vậy, cũng có khi nhiều con may mắn sống sót. Đơn cử như trường hợp mưa ếch đổ bộ vào một thị trấn nhỏ ở Serbia năm 2005, sau khi bão đi qua, người dân nơi đây đã đổ ra ngoài xem đường phố đầy ếch là ếch, những con còn sống đang cố gắng bật nhảy quay trở lại vùng nước vốn thuộc về chúng.

Không chỉ có mưa ếch

Thực tế cho thấy vòi rồng không chỉ gây nên hiện tượng mưa ếch, nó có thể bốc nhiều vật thể khác lên không trung và gây ra nhiều trận mưa kỳ dị khác nữa. Từng có vô số bài báo đưa tin về những vật thể lạ từ trên trời rơi xuống, đó có thể là mưa mực, mưa giun, mưa cá… vì cơ bản những loài này đều có trọng lượng nhẹ và đều là cư dân sống dưới nước.

Song cũng cần lưu ý là vòi rồng còn có thể cuốn những thứ nặng hơn. Các dòng xoáy vòi rồng thường quay với tốc độ đáng kinh ngạc, lên tới 200 dặm/giờ (mph), dễ dàng cuốn theo cả một khối vật thể nặng. Thậm chí những con chim nước lớn hay một chiếc thuyền buồm cũng có rơi vào “tầm ngắm” của vòi rồng và biến chúng thành những vật thể “từ trên trời rơi xuống”. Và có lẽ ngay cả khi vào đất liền, vòi rồng vẫn có thể hút theo một vài thứ như cà chua, than…, gây ra những trận mưa cà chua, mưa than chẳng hạn.