ThienNhien.Net – Ghana là quốc gia châu Phi dồi dào nguồn tài nguyên khoáng sản. Vì vậy, hoạt động khai khoáng đóng một vai trò lớn trong sự tăng trưởng. Doanh thu của ngành này chiếm đến 35% tổng thu nhập ngoại tệ và 5,5% tổng thu nhập quốc dân trong những năm gần đây. Ngân sách từ hoạt động khai thác mỏ chiếm khoảng 2,5% tổng thu nhập quốc dân. Tuy nhiên, Ghana cũng là một trong những quốc gia sớm phải đối mặt với những vấn đề bất ổn liên quan đến ngành khai khoáng. Vì vậy, nước này đã gia nhập thành viên Sáng kiến minh bạch hóa ngành khai khoáng (EITI) từ những ngày đầu.
Tự nguyện minh bạch hóa
Kể từ thập niên 80, chính phủ Ghana đã tiến hành tư hữu hoá ngành công nghiệp khai thác mỏ, và hiện nay chính phủ vẫn giữ vai trò điều tiết quan trọng. Luật khai thác mỏ và khoáng sản vào năm 2006 đã tăng ưu đãi về tài chính dành cho các nhà đầu tư nước ngoài và giữ đặc quyền khai thác mỏ ở mức tối thiểu 3%.
Hiện tại, ngành công nghiệp khai khoáng chịu sự chi phối của 13 công ty lớn đến từ Nam Phi, Australia, Canada và Hoa Kỳ, và các nhà sản xuất vàng lớn nhất trong khu vực là Gold Fields, Newmont, AngloGold Ashanti và Golden star Resources cùng hơn 300 công ty quy mô nhỏ trong nước.
Tại Ghana, những nỗ lực nhằm nâng cao sự minh bạch các nguồn thu từ khai khoáng của quốc gia đã khởi đầu trước khi chính phủ cam kết tham gia vào EITI. Từ trước năm 2003 (thời điểm Ghana gia nhập EITI), các thành viên thuộc viện khoáng sản đã tình nguyện tiết lộ thông tin liên quan đến quyền khai thác mỏ của công ty, thuế, và các khoản chi phí thuê đất đai. Các thông tin này sau đó đã được đăng trên báo địa phương và lưu hành toàn quốc.
Thông tin về khoản đóng góp của các công ty cũng được báo cáo lên Ủy ban khoáng sản, mặc dù lúc này các báo cáo chưa được kiểm toán độc lập hay phân bổ theo đúng tiêu chuẩn của EITI.
Thành tựu lớn
Với sự hợp tác của hai bộ là Bộ Tài chính và Bộ Khoáng sản, Ghana thành lập hai cơ quan chuyên trách. Đó là Ủy ban chỉ đạo quốc gia về EITI (NSC) và Ban thư ký EITI của Ghana (GHEITI).
NSC có chức năng giúp cho các bên liên quan hiểu sâu hơn về EITI và liên kết họ lại gần nhau hơn. Còn GHEITI chịu trách nhiệm thực hiện, giám sát, và đánh giá các chương trình quốc gia, cũng như làm tăng thêm tính hiệu lực cho các quyết định của NSC.
Ở Ghana, vàng là nguồn tài nguyên quan trọng nhất và đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, tiếp sau là cacao và gỗ. Một số khoáng sản quan trọng khác gồm Mangan, kim cương và khoáng boxit. |
Sau khi nội dung chính thức của EITI được xây dựng, một ban điều hành độc lập được lựa chọn nhằm tiến hành kiểm toán và công khai các khoản thu cũng như các khoản chi, kiểm tra việc tuân thủ theo các tiêu chuẩn kế toán quốc tế và xây dựng các đề án cải thiện việc thực hiện EITI.
Sau nửa thập niên chính phủ tuyên bố cam kết thực hiện EITI, Ghana đã đạt được những thành tựu đáng kể trong quá trình thực hiện. Tính minh bạch các nguồn thu từ khai thác khoáng sản đã được nâng cao.
Sáng kiến này đã đem đến sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan và làm tăng uy tín của chính phủ.
Lộ trình tham gia EITI của Ghana được đánh giá tốt và có nhiều tiến bộ đáng kể. Từ năm 2003, ba bản báo cáo tài chính đã được công bố, những bản báo cáo này góp phần nâng cao sự minh bạch về các nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản của chính phủ.
Theo đúng như yêu cầu của tiêu chuẩn EITI, các bản báo cáo đã được kiểm toán độc lập và thể hiện được rõ ràng khoản đóng góp của các công ty, các nguồn thu mà chính phủ đã nhận được và các khoản chi của chính phủ dành cho cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác khoáng sản.
Kết quả báo cáo năm 2005 và 2004 cho thấy mặc dù được kê khai khá tốt, nhưng vẫn có sự thiếu ăn khớp trong các số liệu.
Hơn nữa, các báo cáo còn chỉ ra một số thiếu sót trong việc chi dùng các lợi nhuận thu được từ khai thác khoáng sản dành cho cộng đồng địa phương
Quá trình thực hiện EITI ở Ghana cũng đã đáp ứng được các yêu cầu liên quan đến hoạt động của cộng đồng địa phương và có sự tham gia tích cực của ngành công nghiệp – hai điều này đem lại sức mạnh rõ rệt trong việc thực hiện chiến lược phát triển của NSC.
Còn nhiều thách thức
Ghana nhận thức rằng họ đã phải đối mặt với 3 thách thức quan trọng.
Thứ nhất, đó là việc đảm bảo rằng sáng kiến được thực hiện nhanh và đúng kế hoạch. Trước đây, điều này không diễn ra đúng như mong muốn. Mặc dù chính phủ đã quyết định tham gia vào EITI từ năm 2003, nhưng phải đến năm 2006 ban điều hành độc lập mới được lựa chọn, và đến năm 2007 bản báo cáo kiểm toán đầu tiên mới được chính thức công bố.
Nghiêm trọng hơn, sự trì hoãn thường được quy do thiếu vốn này đã góp phần làm chậm quyết định tham gia vào EITI của chính phủ đến 3 năm, điều này thể hiện trong tài liệu về các nguồn thu từ khai thác mỏ (báo cáo kiểm toán của năm 2008 phải sử dụng lại dữ liệu từ năm 2005).
Đã có ý kiến cho rằng sự chậm trễ này làm giảm thẩm quyền của quốc hội cùng các bên liên quan trong việc thúc đẩy trách nhiệm của chính phủ và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các nguồn lợi nhuận do ngành công nghiệp khai khoáng chi trả, do vậy cần phải được ưu tiên giải quyết.
Thứ hai là vấn đề cải thiện việc thực hiện EITI trong phạm vi quốc gia. Thời gian gần đây, nhiều cuộc tranh cãi công khai diễn ra trên khắp các mỏ tập, trung chủ yếu vào tác động của hoạt động khai thác đến đời sống của các cộng đồng dân cư xung quanh.
Để thực hiện việc đền bù cho các khu vực vì những tác động tiêu cực phát sinh từ hoạt động khai thác khoáng sản, pháp luật Ghana quy định 9% số tiền thuê mỏ được dành cho các cộng đồng dân cư sống quanh khu khai thác.
Bản báo cáo kiểm toán vào năm 2004 cho thấy có sự thiếu hụt và trì hoãn trong việc giải quyết bồi thường. Mặc dù những sự thiếu hụt này không được lớn nhưng chúng ngầm chỉ ra rằng các cộng đồng dân cư sống quanh khu mỏ đã và đang tiếp tục bị tước đoạt những khoản tiền mà chính phủ dành hỗ trợ phát triển địa phương. Sự chi dùng của địa phương không được kiểm soát cũng là một vấn đề
Thứ ba, đó là việc mở rộng phạm vi hoạt động của sáng kiến đến Quỹ phát triển các nguồn khoáng sản (MDF). Mục đích của MDF là hỗ trợ sự phát triển hoạt động khai thác mỏ của quốc gia, nhưng không hề có ngân sách nào dành cho mục đích đó, cũng không hề có sự khai báo việc sử dụng các khoản tài trợ hiện đang dưới quyền quản lý của EITI. Sự yếu kém này cần thiết phải được chỉ rõ nhằm nâng cao toàn bộ tính minh bạch các nguồn thu từ khai thác mỏ ở Ghana.
Ngoài ra, còn một thách thức lớn khác dành cho Ghana, đó là việc mở rộng thực hiện việc minh bạch hóa ra các lĩnh vực khác ngoài khoáng sản kim loại, chẳng hạn như dầu khí hay lâm nghiệp. Điều này không chỉ là mở rộng về quy mô mà còn liên quan tới trách nhiệm và sự tham gia của các bên liên đới.
Bài học rút ra
Sớm tham gia EITI, Ghana không chỉ là quốc gia thành viên đầu tiên giải quyết tốt vấn đề khai thác khoáng sản, mà nó còn mở rộng các yêu cầu về việc báo cáo EITI tới phạm vi quốc gia ngay trong giai đoạn đầu của quá trình. Việc thực hiện EITI ở Ghana để lại những bài hoc kinh nghiệm có giá trị to lớn cho các quốc gia khác khi đăng ký tham gia EITI.
Kinh nghiệm đầu tiên là việc thực hiện EITI ở cấp quốc gia nên được tiến hành sớm. Mặc dù các vấn đề trước mắt là nâng cao tính minh bạch nguồn ngân sách dành cho cộng đồng địa phương, nhưng Ghana đã lên kế hoạch và bàn bạc về việc thực hiện ở cấp quốc gia ngay từ khi triển khai sáng kiến. Điều này đã được chứng minh là một lợi thế lớn.
Khi nội dung chính thức của EITI được xây dựng, đã có tới bốn loại báo cáo được thiết kế nhằm mục đích ghi lại các nguồn ngân sách. Nhược điểm trong việc thực hiện EITI ở phạm vi quốc gia là các báo cáo chỉ được xem xét bởi các chính quyền địa phương mà có ý kiến của những người có uy tín và người dân địa phương – những người cũng nhận được nguồn tài trợ đáng kể từ chính phủ.
Kinh nghiệm thứ hai được rút ra đó là tiến trình EITI nên được thực hiện nhanh chóng và kịp thời. Tại Ghana, tiến trình thực hiện chậm, đặc biệt là trong những năm đầu thực hiện EITI. Mặc dù chính phủ tham gia thành viên EITI từ năm 2003 nhưng mãi tới năm 2006 mới thành lập ban điều hành, và đến 2007 mới có báo cáo tài chính đầu tiên.
Thứ ba, sự cam kết của các bên liên quan là nhân tố chìa khoá bảo đảm thực hiện thành công EITI. Tại Ghana, cam kết của chính phủ đã được thể hiện qua các hoạt động cộng đồng từ sử dụng các nguồn lực quốc gia đến tài trợ vốn cho quá trình thực hiện EITI.
Cùng với chính phủ, cộng đồng sống quanh khu vực khai thác và các tổ chức xã hội dân sự cũng đã góp phần làm cho cam kết trở nên có hiệu lực hơn. Người dân đã nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như đóng góp kiến thức, khả năng và tiếng nói của mình trong các cuộc họp.
Được sự giới thiệu của viện khoáng sản, các công ty khoáng sản lớn ở Ghana đã có được sự hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu thực hiện sáng kiến. Kinh nghiệm cho thấy để đảm bảo cam kết được thực hiện, cần quan tâm nhiều hơn đến trao đổi thông tin trong NSC, để những hi vọng và trí lực làm việc của cộng đồng xã hội, chính phủ và ngành công nghiệp được đưa vào trong nội dung từng báo cáo.
Theo các chuyên gia của Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) tại Ghana, bài học sau cùng nhưng cũng rất quan trọng đó là quá trình thực hiện EITI ở Ghana nên tiếp tục được quản lý. Kinh nghiệm thực hiện EITI tại Ghana đã cho thấy không nên quá tập trung vào mở rộng quản lý cơ sở hạ tầng, mà nên tập trung tìm ra những cách thức đơn giản nhất để thực hiện sáng kiến nhanh và kịp thời hạn.
Bài viết này trích từ bản báo cáo “Xúc tiến sáng kiến EITI trong ngành khai khoáng” – EITI/2009.