Hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn Nhà nước

ThienNhien.Net – Là địa phương còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội, tận dụng cơ hội được vay vốn hỗ trợ lãi suất (HTLS) của Nhà nước, các ngành chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng vào cuộc để nguồn vốn ưu đãi đến ngay được doanh nghiệp (DN) và người nông dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự, ngay sau khi các gói HTLS của Chính phủ có hiệu lực, tỉnh coi đây là cơ hội tốt để các DN và người dân đẩy mạnh sản xuất và cải thiện đời sống trong điều kiện khó khăn hiện nay.

UBND tỉnh đã chủ trì nhiều cuộc họp với sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn để triển khai các Quyết định 131, 443, 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhanh chóng mà nổi bật nhất là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Hội Nông dân tỉnh, các NHTM, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp, Công ty Máy tính Lam Hồng (thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) nhằm triển khai ngay các gói kích cầu, nhất là theo Quyết định 497.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện Quyết định 497/QĐ-TTg, Hội đã chủ động tuyên truyền để người nông dân nắm được. Ngay sau đó, Hội Nông dân các cấp khảo sát thực tế nhu cầu mua máy nông nông nghiệp (trong đó có máy cày) của nông dân để định hướng các khoản vay phù hợp. Bước tiếp theo, Hội đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ tay ba: nông dân- ngân hàng và DN sản xuất máy nông cụ để thảo luận cụ thể về các vấn đề sẽ triển khai.

Quy trình cho vay vốn mua máy nông nghiệp được thống nhất với ngân hàng theo 2 cách. Cách thứ nhất: các Chi hội bình xét hộ được vay vốn, tổng hợp danh sách gửi ngân hàng. Sau khi thẩm định ngân hàng sẽ gửi danh sách các hộ được vay cho Hội Nông dân các huyện, thị, thành, Hội chuyển danh sách đó cho công ty máy nông nghiệp để giao máy, sau đó ngân hàng chuyển tiền cho công ty.

Cách thứ hai: các hộ tự mua máy tại một đại lý nào đó, với điều kiện là máy sản xuất trong nước và được ngân hàng đồng ý cho vay. Hộ dân lấy hoá đơn bán máy (theo quy định của Bộ Tài chính) về ngân hàng vay tiền; hoặc sau khi xem máy, lấy báo giá về, sau đó ngân hàng sẽ chuyển tiền cho đại lý bán máy.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân Hà Tĩnh đề nghị Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp cho các hộ nhận máy trước, làm thủ tục vay vốn và thanh toán sau để bà con sớm có máy làm đất kịp vụ Hè thu này; đồng thời đề nghị Tổng Công ty hướng cách sử dụng, sửa chữa những hỏng hóc đơn giản và tổ chức mạng lưới bảo hành cùng các loại phụ tùng thay thế tại các huyện.

Tính đến ngày 16/06, bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh đã mua hàng trăm chiếc máy cày kịp thời làm đất vụ Hè thu. Riêng mua qua sự phối hợp ba bên (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Hội Nông dân tỉnh – Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp) đạt 225 chiếc. Hà Tĩnh kỳ vọng sẽ có thêm 1.000 máy cày đất cùng nhiều máy nông cụ khác (máy gặt, ô-tô…) nhờ vay vốn từ Quyết định 497. Việc được vay vốn HTLS mua máy nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp trong lúc Hà Tĩnh đang triển khai dồn điền đổi thửa theo hướng tập trung được xem là cú hích mạnh chuyển sang sản xuất lớn đối với nông dân Hà Tĩnh ở giai đoạn hiện nay.

Có thể thấy, trong khi nhiều địa phương còn gặp một số vướng mắc trong việc triển khai gói kích cầu theo Quyết định 497 thì tại Hà Tĩnh, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng theo chỉ đạo chung có những nét mới, rất cần để các địa phương khác rút ra được kinh nghiệm.