Năng lượng hạt nhân: “Lựa chọn sạch” cho châu Á?

ThienNhien.Net – Tại một diễn đàn về năng lượng diễn ra tại Manila, thủ đô Phillippin, các chuyên gia cho rằng năng lượng hạt nhân có thể là nguồn “năng lượng sạch” đối với hầu hết các nước châu Á, vì nó hạn chế việc phát thải khí nhà kính khi nền kinh tế khu vực này ngày càng phát triển. Tuy nhiên, đối lập với quan điểm này, các nhà môi trường và hoạt động xã hội đã đưa ra nhiều luận điểm phản đối việc phát triển điện nguyên tử.

Điện hạt nhân – Năng lượng không phát thải

 
Từ năm 1990 đến năm 2006, mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 3,5% của châu Á  đã kéo theo mức tăng về tiêu thụ năng lượng hàng năm lên 3,2%. Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu năng lượng châu Á Thái Bình Dương( APERC), việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực thải ra một lượng các bon chiếm khoảng 30% tổng lượng khí các bon phát thải của toàn thế giới. Riêng năm 2006, châu Á tiêu thụ 2.558 triệu tấn nhiên liệu quy đổi dầu(MTOE), hầu hết trong số đó đều có nguồn gốc từ than và dầu.
 
Trên tờ Tân Hoa Xã viết rằng mối lo ngại ngày càng gia tăng về biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó tới môi trường, tới sức khỏe con người và kinh tế đã thúc đẩy các nhà hoạch định kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo kinh tế của châu Á tìm ra một nguồn năng lượng ổn định để làm giảm phát thải khí cac bon.
 
Piyasvasti, cựu Bộ trưởng Bộ năng lượng Thái Lan, cho rằng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và nhiên liệu sinh học tuy thân thiện với môi trường nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng nhanh của khu vực. Chẳn hạn, Thái Lan sẽ không có đủ đất để trồng các cây nguyên liệu như cây cọ dầu. Ông cũng phát biểu rằng năng lượng hạt nhân cũng là một công nghệ nhưng nó lại không phát thải khí hiệu ứng nhà kính.
 
Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tuy không ngăn được việc các nền kinh tế châu Á sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhưng đã trở thành động lực để tìm ra các nguồn năng lượng không phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển công nghệ cacbon thấp và đa dạng hóa các nguồn năng lượng, trong đó có năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.
 
Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế lớn nhất và cũng là hai nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất tại châu Á, đang tích cực phát triển năng lượng hạt nhân cùng với các chính sách tương ứng về an ninh năng lượng và năng lượng sạch.
 
Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung quốc đã xây dựng kế hoạch về năng lượng, trong đó tăng tỉ lệ năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo (như năng lượng gió và năng lượng mặt trời).
 
Hiện tại, than chiếm 70% trong số gần 980 MTOE mà Trung Quốc tiêu thụ mỗi năm, trong khi đó năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo chiếm ít hơn, chỉ khoảng 10%.
 
Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ tăng công suất điện hạt nhân từ 4.000 MW hiện tại lên gấp 5 lần trong thập kỉ tới.Năm ngoái chính phủ Ấn Độ đã kí kết một hiệp ước hạt nhân với chính phủ Mỹ. Hiệp ước này cho phép Ấn Độ tiếp cận với các lò phản ứng, nguyên liệu và công nghệ hạt nhân của Mỹ và hỗ trợ nâng cao công suất điện hạt nhân của Ấn Độ
 
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) coi năng lượng hạt nhân là một trong những công nghệ ngăn chặn biến đổi khí hậu mang tính thương mại. Chủ tịch IPCC, Rajendra K. Pachauri, gọi năng lượng hạt nhân  là “công nghệ xanh” vì nó không phát thải khí cacbon.
 
Nhưng không phải là con đường tất yếu
 
Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến phản đối năng lượng hạt nhân. Ban giám sát môi trường của Tổ chức Hòa Bình Xanh quốc tế đã kêu gọi thế giới chống lại năng lượng hạt nhân với lập luận rằng năng lượng hạt nhân không chỉ đắt đỏ, kém hiệu quả mà còn cực kỳ nguy hại cho môi trường.
 
“Giờ đây, khi chúng ta đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu thì việc xây dựng các nhà máy năng lượng hạt nhân để giảm việc phát thải hiệu ứng nhà kính không còn kịp nữa, bất cứ việc giảm phát thải nào từ năng lượng hạt nhân cũng sẽ là quá ít, quá muộn và có giá quá cao”, báo cáo của cơ quan này cho biết, “Hơn nữa, đến nay thế giới vẫn chưa tìm ra được phương pháp xử lý các chất độc hại có trong chất thải hạt nhân.”
 
“Mặc dù đã được đầu tư hàng triệu USD cho nghiên cứu và phát triển nhằm xử lý các chất thải phóng xạ, nhưng các thử nghiệm mới chỉ dừng lại ở mức độ “giải pháp đề xuất’ mà chưa thể áp dụng trong một thời gian dài. Giải pháp đó có thể không khả thi về mặt kinh phí hoặc chỉ có thể giải quyết rất ít vấn đề chất thải hạt nhân về lâu dài” – phát biểu của đại diện Tổ chức Hòa Bình Xanh.
 
Ngay cả ông Pachauri người cho rằng năng lượng hạt nhân có thể là một lựa chọn cho những ai muốn phát triển công nghệ sạch nhưng cũng chính ông thừa nhận rằng năng lượng hạt nhân không phù hợp với tất cả mọi quốc gia.
 
“Để phát triển năng lượng nguyên tử cần có trang bị tốt về cơ sở hạ tầng, kĩ thuật và các tiêu chuẩn an toàn nhất định, chế độ tuân thủ rất nghiêm ngặt. Không phải quốc gia nào cũng đảm bảo được các yêu cầu đó” – Pachauri nói.