Tảo độc sinh sôi gây ô nhiễm đại dương

ThienNhien.Net – Sự sinh sôi của những loại tảo có độc tính không những gây ảnh hưởng xấu đến bề mặt đại dương, giờ đây chúng còn chuyển cả những độc tố ấy xuống tận đáy biển, nơi chúng tiếp tục tồn tại hàng tuần sau đó.

Chẳng những không bị phân rã sớm sau khi nở hoa như những giả thuyết trước đây, một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu Mỹ đã chỉ ra rằng chất neutrotoxin trong tảo có thể gây độc cho những loài giáp xác, còn axít domoic chìm xuống đáy biển có khả năng gây độc cho những động vật biển có vú, chim và cả con người.

Claudia Benitez-Nelson, Đại học Nam Carolina cho biết: “Dấu hiệu đầu tiên về tác động của tảo thường thấy ở những loài chim tắm mình trên bờ biển hoặc hải cẩu, khi chúng có những hành động khôi hài, hung hăng và co giật như đang say rượu”.

Chúng ta từng nghĩ rằng khi hiện tượng mất đi, nguy hiểm sẽ không còn, nhưng giờ đây chúng vẫn để lại axít domoic như một “món quà lưu niệm”.

Nhóm nghiên cứu của Benitez-Nelson là những người đầu tiên tìm hiểu về loại hoá chất nằm trong phân tử của tảo chìm xuống đáy biển cũng như trong các mẫu bùn lấy từ đáy đại dương sâu đến 800m. Họ đã tìm thấy một lượng lớn chất độc neurotoxin có nồng độ cao gấp 8 lần so với giới hạn cho phép của Mỹ trong loài giáp xác.

Nhóm nghiên cứu cũng so sánh hàm lượng độc tối đa của axít domoic có trong mẫu bùn với mẫu tảo trên bề mặt. Những phát hiện của họ chỉ ra rằng độc tố chìm xuống đáy biển chỉ trong 3 ngày, nhưng lại có thể tồn tại ở đó lâu hơn, ít nhất là vài tuần.

Nhóm cũng cho rằng độc tố di chuyển nhanh xuống đáy biển là do các chùm hoa tảo chết đồng loạt trên bề mặt biển kết lại thành những khối tảo nặng hơn, quá trình đó cũng đồng thời bảo vệ độc tố khỏi sự phân rã.

Axít domoic rất dễ bị phân huỷ bởi ánh sáng mặt trời, nhưng khi chúng kết thành khối và bị chôn dưới bùn thì độc tố có thể được bảo vệ cho đến khi những sinh vật đáy biển ăn vào.

Theo Benitez-Nelson, domoic axít là loại axít amin giàu dinh dưỡng và là thức ăn ngon cho côn trùng, loài vốn không bị ảnh hưởng bởi độc tính của chúng.

Raphael Kudela, Đại học Santa Cruz bang California, cho rằng cần tìm ra những mắt xích còn thiếu để giải thích tại sao axít domoic cũng xuất hiện ở các sinh vật đáy như cua, cá bẹt. Lớp sinh vật này bao gồm nhiều loài có tính kinh tế cao nhưng lại chưa được kiểm định về hàm lượng axít domoic. Ông cũng nhận xét rằng những dữ kiện đã được khám phá sẽ thúc đẩy các nghiên cứu tiếp theo nhằm kiểm tra xem liệu những loài sinh vật này có nên được kiểm định trong tương lai hay không. Cho đến nay, chỉ có loài giáp xác sống gần mặt nước là được kiểm định.

Theo Benitex Nelson, bước quan trọng nhất tiếp theo là vạch ra một kế hoạch chi tiết hơn để tìm hiểu axít domoic có thể bám xung quanh và bên trong cơ thể của sinh vật trong thời gian là bao lâu và còn với bao nhiêu loài sinh vật khác nữa. Vì như ông cho biết: ”Điều này rõ ràng là phổ biến và lan rộng hơn những gì chúng ta vẫn tưởng. Đặc biệt vấn đề này ảnh hưởng đến nhiều khu vực, không chỉ riêng California. Quan trọng hơn, tất cả những dấu hiệu đều cho thấy một sự tăng mạnh của tảo trong tương lai khi con người thả càng ngày càng nhiều tảo xuống đại dương”.