Liên kết trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ

ThienNhien.Net – Cả nước mỗi năm khai thác khoảng 4 triệu m3 gỗ nguyên liệu từ rừng trồng, nhưng nguồn nguyên liệu này được dùng chủ yếu cho sản xuất bột giấy, ván nhân tạo, dăm gỗ xuất khẩu, còn việc sử dụng cho chế biến các loại sản phẩm cao cấp có giá trị hầu như không đáng kể. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chất lượng gỗ rừng trồng chưa đáp ứng được yêu cầu để sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu cao cấp, vì chưa có cơ chế gắn kết giữa cơ sở chế biến gỗ với người sản xuất nguyên liệu.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị, định hướng trong liên doanh, liên kết trồng rừng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến sản phẩm gỗ là các nhà máy chế biến, có thể là chủ đầu tư để thực hiện liên kết trồng rừng nguyên liệu theo quy hoạch được duyệt, nhà máy ký hợp đồng trực tiếp với các chủ rừng là tổ chức hoặc hộ gia đình, cá nhân để trồng rừng và chăm sóc rừng trồng có sự giám sát của chính quyền địa phương.

Việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa người trồng rừng nguyên liệu với các cơ sở chế biến, hoặc các chủ rừng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế. Hợp đồng cung cấp, thu mua nguyên liệu phải trên cơ sở thoả thuận giữa bên bán, bên mua, phải được UBND cấp xã sở tại xác nhận (đối với trường hợp người cung cấp nguyên liệu là hộ gia đình, cá nhân) và phải được đưa vào cam kết trong hợp đồng.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có những bước phát triển khá cao, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng liên tục hàng năm. Như năm 2006 đạt 2,05 tỷ đô la Mỹ; năm 2007 đạt 2,4 tỷ đô la, năm 2008 đạt 2,8 tỷ đô la.

Tuy đạt được bước phát triển khá cao, nhưng tỷ lệ lợi nhuận xuất khẩu đạt thấp và thiếu bền vững vì các doanh nghiệp hầu như không chủ động được nguyên liệu mà phải nhập khẩu (khoảng 80% so với nhu cầu). Nếu làm tốt việc liên kết trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ, sẽ tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành chế biến sản phẩn gỗ xuất khẩu, từng bước tự túc được nguồn nguyên liệu trong nước, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ cũng như nâng cao giá trị thu nhập cho các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia trồng rừng./.