Biến đổi khí hậu gia tăng dịch bệnh nguy hiểm

ThienNhien.Net – Bệnh tật và sự chết chóc dưới tác động của biến đổi khí hậu là một quá trình liên quan với nhau, thông qua nhiều cơ chế tác động và khâu cuối cùng là nguyên nhân gây bệnh dẫn đến ốm đau và tử vong cho con người.

Kết quả nghiên cứu của giáo sư, tiến sĩ khoa học Trương Quang Học và giáo sư, tiến sĩ Trần Đức Hinh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng Trung ương, cho thấy đây chính là nhiệt độ tăng cao quá mức làm người bị bệnh tim, người già và trẻ nhỏ tử vong; những hiện tượng cực đoan của khí hậu gây chết người và mùa màng thất bát dẫn đến dịch bệnh, suy dinh dưỡng gia tăng làm giảm khả năng kháng bệnh ở người.

Theo các nhà khoa học, thành phần vật truyền nhiễm có giai đoạn sống trong nước thay đổi, nên thay đổi về nhịp điệu và bản chất các dịch bệnh do véc tơ truyền; gia tăng các bệnh truyền qua môi trường nước nhất là sau các trận lũ lụt, ngập úng.

Một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu là sự gia tăng về cường độ, số lượng và độ bất thường của thiên tai. Như một quy luật, sau thiên tai môi trường bị xáo trộn lớn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng từ các nguồn gây ô nhiễm bị ngập là nguyên nhân bùng phát các dịch bệnh đường ruột và các bệnh lây lan theo nguồn nước khác, bao gồm cả các bệnh của động vật, bệnh có ổ dịch tự nhiên, bệnh từ nơi khác đến.

Ở Việt Nam, thời gian qua nhiều bệnh và dịch bệnh đã bùng phát sau lũ lụt. Sau trận lũ tháng 06/2007 tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), có tới 3.000 người mắc bệnh ăn chân do nấm, 600 ca bị tiêu chảy và trên 2.000 người bị đau mắt hột.

Để giảm thiểu gia tăng các loại dịch bệnh nguy hiểm do biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng dự án cơ chế phát triển sạch, đồng thời xây dựng hệ thống thể chế chính sách và dịch vụ về sức khỏe môi trường.

Tuy vậy, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cần phải được lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia về sức khỏe môi trường, vệ sinh môi trường ở tất cả các nội dung, giải pháp và được các cấp ở địa phương thực hiện sâu rộng mới có thể phòng ngừa được các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, lây lan trên diện rộng./.