ThienNhien.Net – Đầu tháng 5 vừa qua, chủ tịch Viện Blacksmith, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường, đã cảnh báo rằng có khoảng 600 triệu người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do phơi nhiễm các chất thải công nghiệp. Phần lớn trong số đó là người dân ở các nước đang phát triển.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, ông Richard Fuller, chủ tịch viện Blacksmith, cho biết các xưởng thuộc da, hầm mỏ và các cơ sở tái chế pin ô tô thường được coi là các “điểm nóng ô nhiễm” tại các nước đang phát triển, gây ra các căn bệnh như ung thư, thiểu năng ở trẻ và tử vong sớm.
Viện Blacksmith, trụ sở đặt tại New York, đã liên kết với các cộng đồng trên toàn thế giới nhằm làm sạch những điểm nóng ô nhiễm này, tập trung chủ yếu vào những điểm đe doạ sức khỏe con người. Mục tiêu của tổ chức là có thể huy động được 500 nghìn USD cho Quỹ Sức khoẻ và Ô nhiễm của mình, con số mà theo ông Fuller có thể xoá sạch những điểm nóng ô nhiễm trong vài thập kỉ tới.
Bên lề cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADP) tại đảo Bali, Indonesia, ông Fuller phát biểu: “Đây là vấn đề trong tầm kiểm soát bởi trên thế giới chỉ có vài nghìn chứ không phải hàng chục nghìn điểm nóng ô nhiễm”.
Viện Blacksmith đến nay đã thực hiện hơn 50 dự án xử lý ô nhiễm như vậy kể từ năm 1999. Hiện tại tổ chức này đang liên kết với ADB và Ngân hàng Thế giới nhằm gây quỹ cho các dự án này.
Mối lo ngại về các vùng ô nhiễm đang ngày càng tăng khi ngày càng có nhiều người chết vì ô nhiễm và người dân tại các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng mua nhiều các hàng hoá như ô tô và đồ điện tử.
Theo ông Fuller, phần lớn các công ty phải chịu trách nhiệm về chất thải công nhiệp lại không phải các công ty đa quốc gia mà là các công ty nhỏ trong nước. Các công ty đa quốc gia rất nhạy cảm với những tai tiếng liên quan đến chất thải công nghiệp, vì thế họ thường sử dụng một phần ngân quỹ lớn để xử lý chúng.
Nhằm công bố rộng rãi vấn đề này, Viện Blacksmith hiện đã đưa ra một bản danh sách thường niên liệt kê những vấn đề và những điểm ô nhiễm nặng nề nhất trên thế giới. Châu Phi đứng đầu danh sách này, theo sau là Trung Quốc
Viện Blacksmith đã thực hiện một dự án với tổng kinh phí lên đến 200.000 USD nhằm xử lý ô nhiễm tại một nhà máy sản xuất pin tại Haina, Cộng hoà Dominine, nơi có nhiều diện tích đất ngầm nhiễm tới 35% là chì, một chất thải gây tàn tật ở trẻ.
Chi phí xử lý ô nhiễm có thể từ 10 triệu USD cho những vùng có sông bị ô nhiễm, đến 20 triệu USD cho các bãi chứa chất thải hoá học độc hại đang có nguy cơ quá tải về sức chứa.
Cuộc khủng hoảng tài chính khiến cho việc gây quỹ trở nên khó khăn hơn, song ông Fuller khẳng định quyết tâm thực hiện sứ mệnh của mình: “Hiện đã có nửa triệu người bị nhiễm độc. Tình hình không thể chậm trễ được nữa”.